Quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU
Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 14/01/2025
Sau hơn 7 năm (2017 - 2025) chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC), đến nay nước ta đã cơ bản khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Theo đó, tình trạng tàu cá, ngư dân của nước ta vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt. EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; xử lý đối với tàu cá “3 không”; ban hành hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý các hành vi liên quan đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc răn đe, giáo dục trong cộng đồng ngư dân.
Tính đến ngày 6/1/2025, cả nước đã tiến hành rà soát, thống kê được 84.536 tàu cá, trong đó số lượng tàu cá đã đăng ký được cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc, đạt 98,9%; đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 mét trở lên là 25.942 tàu cá, đạt 90,3%; hoàn thành việc xử lý tàu cá “3 không”. Tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tham gia hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là 28.312 chiếc, đạt 100%. Việc kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và hoạt động trên biển đã có nhiều tiến bộ. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được các địa phương thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Bên cạnh đó, đã khởi tố 32 vụ hình sự liên quan hành vi môi giới, móc nối, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; gửi, vận chuyển thiết bị VMS, hợp thức hóa hồ sơ vi phạm IUU… Việc xử phạt các hành vi vi phạm về ngắt kết nối VMS, khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục được tăng cường hơn trước. Trong 2 năm (2023 và 2024), toàn quốc đã xử lý hơn 8.300 trường hợp với tổng số tiền khoảng 189 tỷ đồng.
Tại Bình Thuận, công tác đăng ký tàu cá theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT đã hoàn thành kịp thời hạn. Toàn tỉnh có 2.804 tàu cá “3 không” chiều dài từ 6m trở lên. Qua rà soát, có 94 tàu không đủ điều kiện; đến nay đã cấp đăng ký được 2.710 tàu cá theo Thông tư 06, đạt 100%. Ngoài ra, Bình Thuận là địa phương được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao về việc triển khai các nhóm giải pháp chống khai thác IUU. Hơn 8.600 tàu cá được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase; đã hoàn thành 100% lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá. Công tác quản lý, vận hành hệ thống VMS được thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện tàu cá mất kết nối để xử lý theo quy trình, quy định. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã xử phạt vi phạm hành chính 526 vụ/4.759,5 triệu đồng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cao điểm quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách đến tháng 4 năm 2025, khắc phục những hạn chế trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang thanh tra lần thứ 5. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường việc rà soát, phân loại, xác minh, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể cố tình vi phạm quy định pháp luật trên biển và trên bờ, thực hiện nghiêm việc giám sát tàu cá ra vào cảng, truy xuất nguồn gốc hải sản… Các tỉnh, thành phố ven biển khẩn trương hoàn thành đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; thực hiện nghiêm các quy định kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng; thực hiện hiệu quả hệ thống eCDT; xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU…