Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận: Diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày một tăng lên

Xã hội - Ngày đăng : 05:49, 19/01/2025

Sau hơn 10 năm chính thức thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Bình Thuận, diện tích rừng đủ điều kiện để thực hiện việc chi trả đã không ngừng tăng lên.

Qua thực hiện Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, đến nay đã tổ chức cho 25 đơn vị gồm: 14 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ; 2 đơn vị chủ rừng là Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên; 2 Công ty Lâm nghiệp; 1 UBND xã, 2 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và 4 đơn vị chủ rừng là tổ chức không thuộc nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh có đủ điều kiện để thực hiện cung ứng DVMTR. Diện tích rừng đủ điều kiện để đưa vào chi trả bằng nguồn DVMTR hàng năm được giữ ổn định và không ngừng tăng lên. Cụ thể năm 2019 tăng 28% so với năm 2018 (34.472,71 ha) đến năm 2021 diện tích này đã tăng lên là 153.793,46 ha/tổng diện tích 336.357,53 ha rừng toàn tỉnh chiếm tỷ lệ là 46% và đến năm 2023 diện tích này tăng lên là 177.344,29 ha. Từ đó cho thấy chính sách chi trả DVMTR ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị chủ rừng. Hầu hết nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR đã được đầu tư cho công tác bảo vệ rừng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng và suy giảm do mất rừng trong điều kiện hiện nay.

rung.jpg
Diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày một tăng lên.

Thực hiện Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cấp chính quyền, các ban, ngành và các đơn vị sử dụng, cung ứng DVMTR. Việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng, ngoài việc tăng cường thêm lực lượng cho các đơn vị chủ rừng, đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng dân cư với chủ rừng và chính quyền địa phương, mối liên kết cộng đồng trách nhiệm giữa các hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng là tổ chức Nhà nước được tốt và thường xuyên hơn.

Thực hiện Chính sách chi trả DVMTR cùng với các chủ trương, chính sách khác về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý cho các chủ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay. Hạn chế, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, bảo vệ và phát triển vốn rừng, góp phần giữ vững an sinh xã hội ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong năm 2024 không có vụ việc lớn nào xảy ra làm suy giảm, mất rừng; diện tích, chất lượng rừng cung ứng DVMTR được bảo đảm.

Qua thực hiện chi trả DVMTR đã góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Riêng tiền DVMTR hộ gia đình nhận khoán trong năm bình quân đã được nâng lên và ổn định ở mức 300.000 đồng/ha/năm; mặc dù cơ cấu thu nhập từ tiền DVMTR so với thu nhập của hộ gia đình hiện nay vẫn còn thấp (khoảng 25%), nhưng cũng đã góp phần nâng cao thêm thu nhập cho người dân, để cải thiện cuộc sống.

Nguyễn Luân