Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận: Vượt khó và phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 06:02, 19/01/2025
Vượt khó trồng và giữ rừng
Xuân Ất Tỵ 2025 đã về, cây rừng không ngừng nghỉ “rung mình” theo gió xuân để trút bỏ những chiếc lá vàng. Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận (thành viên trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận) nằm thoai thoải trên một con dốc, sáng sớm luôn rộn ràng tiếng chim. Hôm ấy, chúng tôi đến, mặt trời đã nhô cao. Bên bộ bàn ghế đá nhỏ, các thành viên lực lượng bảo vệ rừng của xí nghiệp đang uống vội ly trà nóng để lên đường làm nhiệm vụ. Theo chân các anh đi về phía đồi, nơi có những mầm xanh đang vươn sức phủ xanh đồi trọc. Dưới tiết trời hanh khô và nắng rát, những cây keo, bạch đàn mọc thành hàng, khỏe mạnh, lá xanh tươi vươn mình về phía nắng. Từ lúc nhận giống và vun trồng, xí nghiệp rất chú trọng chăm sóc. Nhờ vậy, tỷ lệ cây sống đạt đến 90%.
Trồng rừng đã khó, giữ đất rừng ở nơi đây lại càng khó khăn và vất vả hơn. Anh Nguyễn Văn Tâm, Trạm phó Trạm Lâm nghiệp Sông Lũy - Hòa Thắng (Bắc Bình) vẫn nhớ như in buổi tuần tra sáng ngày 21/8/2024, khi anh và các anh em trong đội bị những kẻ chiếm đất rừng trái phép hành hung. Anh Tâm kể: “Sáng hôm đó, như thường lệ, tôi cùng ba đồng nghiệp tuần tra khu vực Trũng Bò, tiểu khu 144A, thôn Hồng Lâm - xã Hòa Thắng thuộc lâm phận Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận thì phát hiện tại lô 5, khoảnh I, ông P.N.H cùng người thân trong gia đình, cư ngụ khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình ngang nhiên đưa máy cày vào cày đất và gieo hạt dưa trong phần đất đơn vị đang được giao nhiệm vụ quản lý. Chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích, tuy nhiên, ông H và người thân không những không chấp hành, mà còn buông lời chửi bới, nhục mạ, mạt sát lực lượng bảo vệ rừng. Đỉnh điểm, ông ta còn lôi kéo nhiều đối tượng mang theo hung khí như dao, rựa, mã tấu, gậy gộc... tập trung đến hiện trường khu vực chiếm đất. Những đối tượng manh động nhất đã tấn công lực lượng bảo vệ rừng, làm 4 nhân viên trong tổ tuần tra hôm đó bị chấn thương nhiều nơi ở vùng đầu, vùng mặt, tay, phải điều trị nhiều ngày”. “Diện tích rộng, lực lượng mỏng, các đối tượng lấn chiếm thì manh động, nên chúng tôi mỗi ngày đều tăng cường cảnh giác, trên tinh thần sẵn sàng trước tình huống xấu nhất. Và trong bất kỳ tình huống nào, thì trồng rừng vẫn là ưu tiên số một. Chỉ cần nhìn rừng lên xanh tốt là chúng tôi vui và nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ”, anh Tâm nói thêm.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận được Nhà nước cho thuê đất và quản lý rừng tự nhiên để sản xuất kinh doanh với quy mô tổng diện tích hơn 18.000 ha, trong đó có diện tích rừng trồng hơn 10.000 ha và đã duy trì chứng chỉ rừng FSC quốc tế qua 8 năm liền, bao gồm cao su, keo lai và bạch đàn. Trong quá trình phát triển của mình, công ty luôn xác định mục tiêu trọng tâm cốt lõi là nâng cao chất lượng rừng trồng. Hiện nay, công ty đã đầu tư kín 100% diện tích đất, vì vậy để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, thời gian qua, công ty đã tập trung áp dụng các phương pháp trồng rừng hiệu quả, giảm chi phí đầu tư… Một trong những giải pháp là công ty đã đổi mới công nghệ trồng và chăm sóc rừng, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng. Đáng chú ý, thời gian qua, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng đến từng khu vực; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng bảo vệ rừng và hợp đồng với người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống giáp ranh với diện tích quản lý của công ty; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm liên quan đến quản lý rừng, quản lý đất đai. Tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành trong việc tuần tra, ngăn chặn cũng như xử lý các vụ việc liên quan đến quản lý bảo vệ rừng. Cùng với đó, công ty hiện đang gấp rút tập trung công tác hoàn thiện hồ sơ pháp lý đất để thuận lợi trong công tác quản lý và bảo vệ tài sản rừng trồng công ty cũng như việc đầu tư các công trình lâm sinh mang tính dài hạn như cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm ổn định sản xuất theo định hướng lâu dài.
Tạo lòng tin của khách hàng qua sản phẩm
Bên cạnh hoạt động sản xuất rừng trồng, dù diễn biến thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công ty đã có nhiều giải pháp để vận hành hiệu quả trong khâu chế biến sản phẩm đồ gỗ cao cấp, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. Đến nay những sản phẩm đồ gỗ cao cấp của công ty như: bàn ghế tủ giường cao cấp, salon, sofa, trường kỷ… đã từng bước đứng vững trong lòng người tiêu dùng của tỉnh Bình Thuận và một số địa phương lân cận. Mới đây, mừng ngày thành lập công ty lần thứ 9 và đón tết Ất Tỵ 2025, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã triển khai chương trình khuyến mãi đối với tất cả các mặt hàng kinh doanh tại hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Đây là một trong những hoạt động nhằm thể hiện sự tri ân đối với khách hàng của công ty. Ông Lê Ngọc Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chia sẻ: Công ty xác định phương châm lấy sự hài lòng, tín nhiệm của khách hàng làm thước đo, chính vì vậy mà công ty quyết tâm xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đồ gỗ lên một tầm cao mới, từng bước nâng cao chuỗi giá trị trong hoạt động chế biến gỗ phù hợp với xu thế trong thời kỳ hội nhập. “Hiện nay công ty đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm cao cấp từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng sẵn có chứng chỉ FSC và gỗ nhập khẩu nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để thay thế cho gỗ rừng trồng tự nhiên với mẫu mã đa dạng, phong phú, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đặc biệt chúng tôi đưa lợi ích của khách hàng vào từng sản phẩm thông qua những chương trình khuyến mãi đối với tất cả các mặt hàng kinh doanh”, ông Cường nhấn mạnh.
Hướng đến sự phát triển bền vững, thời gian đến công ty sẽ tiếp tục duy trì những giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm đơn vị liên kết, liên doanh các đối tác có năng lực tài chính và phù hợp với ngành nghề kinh doanh để thực hiện dự án nhà máy chế biến thô (hoặc tinh) hướng đến thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC/CoC, đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và EU... công suất tối thiểu 50.000 tấn viên nén gỗ/năm và các sản phẩm nội ngoại thất nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn từ rừng trồng. Bên cạnh đó, tiếp cận thỏa thuận thực hiện tín chỉ Carbon nhằm góp phần cải thiện môi trường, tăng thu nhập cho công ty từ hoạt động trên”, ông Cường cho biết.
Một mùa xuân mới lại về, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành điểm sáng trong phát triển của ngành Lâm nghiệp Bình Thuận nhờ sự năng động và sáng tạo của mình. Công ty không chỉ góp phần gìn giữ và bảo vệ rừng mà còn tạo ra những thay đổi đáng kể trong tư duy làm kinh tế… tạo nền tảng vững chắc để công ty ngày càng phát triển.