Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2025

Xã hội - Ngày đăng : 19:27, 18/01/2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm tiếp theo. Đây cũng là năm mà các ngành, địa phương tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển Kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2020 – 2025, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
vong-xoay-tuong-dai-chien-thang-phan-thiet-anh-n.-lan-1-.jpg
Ảnh tư liệu.

Kinh tế - xã hội năm 2024 đạt kết quả tích cực

Năm 2024, dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế của tỉnh đã có bước tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 7% so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 10,2% so với năm 2023, có 9/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ. Công tác thu ngân sách ước năm 2024 là 10.015 tỷ đồng, vượt 0,15% dự toán HĐND tỉnh giao, có 14/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm... Các hoạt động giáo dục đào tạo được duy trì ổn định, tỉnh đã thông qua một số dự án để triển khai thực hiện các bước tiếp theo xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế. Công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm và từng bước có chuyển biến. Công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, tập trung cao độ tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh và của 3 đơn vị cấp huyện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành mới các quy định, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh, điều chỉnh phê duyệt các quy hoạch trên cơ sở cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả đó khẳng định rằng tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, quyết liệt nhiệm vụ cải cách hành chính và chủ đề năm 2024 của tỉnh về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, chỉ đạo giải quyết các nội dung tồn đọng, kéo dài, những vấn đề bức xúc nổi lên trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện tốt, chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

9bdb0926-aeb9-4db6-bac2-415240571858.jpeg
Ảnh tư liệu.

Tăng tốc trong năm then chốt của nhiệm kỳ

Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026 và chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, do đó các sở, ngành, địa phương cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, tập trung các nguồn lực, khai thác tối đa cơ hội để bứt phá vươn lên, phấn đấu hoàn thành từng nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất. Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, cần đẩy nhanh công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch, nhất là quy hoạch chung và phân khu, chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, tư tưởng, làm cho thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và việc làm thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân. Đồng thời mỗi Cụm, Khối thi đua, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phát động các phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể để phong trào thi đua trở thành động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kêu gọi, động viên cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất, thực hiện đạt hiệu quả cao các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu, lĩnh vực mũi nhọn với các khâu đột phá đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV xác định. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh; chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực. Phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: Công nghiệp; Du lịch, thể thao biển; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh mẽ đầu tư lớn, người tài và người giàu đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị, hướng đến sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

PHAN LIÊN