Công tác hội quần chúng - “cầu nối” giữa chính quyền và nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 05:25, 20/01/2025

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng, công tác hội quần chúng tại tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Năm 2024, với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội quần chúng trong tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Động lực gắn kết cộng đồng

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tính đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có 1.392 hội quần chúng với 440.532 hội viên, trong đó, 65 hội có phạm vi hoạt động toàn tỉnh, gồm 14 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ và 51 hội tự nguyện, tự quản; 124 hội có phạm vi hoạt động ở cấp huyện và 1.203 hội có phạm vi hoạt động ở cấp xã. Hàng năm, các tổ chức hội quần chúng đã chủ động đổi mới, đa dạng nội dung, phương thức hoạt động hướng vào vấn đề hội viên và nhân dân quan tâm. Nổi rõ, đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm đều đạt và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao.

5455376423179e49c706.jpg
Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tổ chức chương trình "Đồng hành chia sẻ yêu thương".

Các tổ chức hội như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Luật gia, Liên minh Hợp tác xã tỉnh... đã tổ chức tư vấn và giám sát, phản biện xã hội đối với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành như: chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hệ thống tưới trong nông nghiệp... Qua đó, giúp cho các cấp chính quyền, các nhà đầu tư có thêm thông tin, cơ sở luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đối với các tổ chức hội như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội Người mù, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Đông y... thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ phát triển cộng đồng với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện cho một bộ phận nhân dân, các đối tượng yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, các cấp hội đã tích cực phối hợp đề xuất chính quyền giải quyết các chế độ, chính sách cho hội viên theo quy định như: chế độ cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, chế độ cho người tham gia kháng chiến, các chính sách xã hội đối với người cao tuổi.

Các tổ chức hội như: Hội Người cao tuổi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Câu lạc bộ hưu trí có nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia tích cực với chính quyền, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi, giúp đỡ gia đình cựu thanh niên xung phong khó khăn về kinh tế, tham gia tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ… Các tổ chức hội ngành nghề như: Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội Thanh long, Hiệp hội Thủy sản, Hiệp hội tôm giống tỉnh... đã thực hiện khá tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, tạo mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Nhìn chung, hoạt động của các hội quần chúng ngày càng thể hiện rõ vai trò tập hợp đoàn kết, huy động các nguồn lực xã hội, hội viên tích cực tham gia góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các lĩnh vực công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp nhau giảm nghèo, sản xuất, phát triển ngành nghề, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kết luận số 102, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội quần chúng. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện của các ngành, địa phương. Quan tâm công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên và phát huy vai trò nòng cốt của đảng viên sinh hoạt trong các hội quần chúng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức hội.

Đi đôi với đó, các cấp chính quyền tiếp tục rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội quần chúng; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng theo Kết luận số 102. Trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hội quần chúng trên địa bàn tỉnh thông qua việc định hướng tổ chức và nội dung hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi để các hội quần chúng phát huy vai trò trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội của địa phương. Chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của các hội; kịp thời chấn chỉnh đối với các hội hoạt động không có hiệu quả, không đúng tôn chỉ mục đích, điều lệ hội hoặc vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các ban tham mưu của Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý hội quần chúng, nhất là các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, định hướng, tạo điều kiện để các tổ chức hội quần chúng hoạt động có hiệu quả; tập hợp, vận động các tổ chức hội tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, tham gia của các hội quần chúng trong hoạt động do các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217 và Quyết định số 218 của Bộ Chính trị (khóa XI)...

Có thể nói, công tác hội quần chúng không chỉ đóng vai trò kết nối cộng đồng, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng và đổi mới phương thức hoạt động, các tổ chức hội quần chúng đang góp phần xây dựng một Bình Thuận đoàn kết, năng động và phát triển bền vững.

THU HÀ