Tổng kết hoạt động tín dụng chính sách xã hội năm 2024
Kinh tế - Ngày đăng : 09:31, 21/01/2025
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh chủ trì cuộc họp
Năm 2024, hoạt động tín dụng chính sách xã hội luôn được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả với nhiều giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng và nhiệm vụ được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách… Kết quả, đến cuối năm 2024, tổng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 649,6 tỷ đồng, tăng 316,6 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, ngân sách tỉnh bổ sung 275,7 tỷ đồng, các huyện, thị xã, thành phố bổ sung 30 tỷ đồng, trích lãi nhập bổ sung nguồn vốn 10,9 tỷ đồng. Cùng với đó, chương trình cuộc vận động "Vì người nghèo" nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, huy động 161 tỷ đồng từ tháng 4-12/2024, với sự tham gia của hơn 2.300 cá nhân, tổ chức, đạt chỉ tiêu đề ra.
Toàn cảnh cuộc họp
Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, giúp nâng cao chất lượng tín dụng. Tính đến cuối năm, tổng nguồn vốn thực hiện đạt 5.378 tỷ đồng, tăng 700 tỷ đồng, tăng 14,97% so với năm 2023. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 649,6 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng nguồn vốn, tăng 316,6 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Trong năm qua, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 1.748 tỷ đồng cho hơn 43.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng 11% so với năm trước. Đồng thời, doanh số thu nợ đạt 1.049 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. Tính đến 31/12/2024, dư nợ của 21 chương trình tín dụng chính sách đạt 5.367 tỷ đồng, hỗ trợ 119.200 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp góp phần đạt được một số kết quả tích cực trong năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng tiêu cực. "Cần bám sát đúng đối tượng để cho vay, các tổ chức chính trị - xã hội được nhận uỷ thác làm nhiệm vụ phải đảm bảo minh bạch, không vì tình cảm cá nhân mà ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tránh tình trạng hộ nghèo không được vay vốn dẫn đến so bì, làm ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân văn, cũng như làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chính sách " , Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu rà soát đầy đủ, chính xác số liệu hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có công có nhu cầu vay vốn sửa chữa nhà ở xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, chú trọng các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh sinh viên. NHCSXH tỉnh nghiên cứu, đề xuất phát động ngày "Huy động gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo" trở thành hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng, hạn chế tín dụng đen, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.