Tổng Bí thư Tô Lâm: 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 16:28, 04/02/2025
Ngày nay, trước những yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, người đứng đầu Đảng khẳng định công tác xây dựng Đảng càng cần được quan tâm, đổi mới và thực hiện quyết liệt hơn nữa, tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là phải tiếp tục kiên định mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định quyền lực lãnh đạo của Đảng không phải tự thân mà có mà do nhân dân trao quyền, ủy thác. Đảng không có mục đích nào khác là đấu tranh vì lợi ích của nhân dân, quốc gia và dân tộc. Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất, giữ vững bản chất cách mạng và vai trò tiên phong. Trong bối cảnh hiện nay, "Đảng càng phải kiên định nền tảng tư tưởng, tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn; không ngừng đổi mới, tự chỉnh đốn, tiếp tục dẫn dắt dân tộc trên con đường phát triển trong kỷ nguyên mới, hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thứ hai là không ngừng hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng. Nền tảng lý luận vững chắc là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, quyết định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo và chiến lược phát triển đất nước. Theo Tổng Bí thư, trải qua hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm, từng bước phát triển tư duy lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về quốc phòng, an ninh và đối ngoại cùng nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Việc hoàn thiện nền tảng lý luận là yêu cầu cấp thiết để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước trong bối cảnh thế giới biến chuyển sâu sắc. Trong quá trình phát triển, thực tiễn luôn đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi Đảng phải không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận. "Sự thẳng thắn, khách quan, khoa học, trung thực, kiên định và thận trọng là cần thiết để tránh sai lầm, duy ý chí. Các vấn đề này cần được làm rõ trong quá trình xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14", Tổng Bí thư yêu cầu.
Thứ ba là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại, phát triển của Đảng. Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát để giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng cần được tiếp tục triển khai "quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng". Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy đảng cần đề cao trách nhiệm nêu gương, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Người dân phát huy vai trò giám sát đối với cán bộ, đảng viên, bảo đảm Đảng luôn là lực lượng lãnh đạo trung thành với lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Thứ tư là quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo. Theo Tổng Bí thư, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tình trạng "Nói không đi đôi với làm". Vì vậy, công tác trọng tâm trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Thứ năm là chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Trước yêu cầu phát triển và hội nhập ngày càng cao, Tổng Bí thư yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, phải đáp ứng những tiêu chuẩn quan trọng: có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, thực sự gương mẫu, liêm chính, tận tụy phục vụ nhân dân, không vụ lợi cá nhân, không tham nhũng, tiêu cực; có tư duy đổi mới, sáng tạo; biết nắm bắt cơ hội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không né tránh, trì trệ, thụ động trước những vấn đề mới phát sinh; có năng lực thực tiễn, khả năng lãnh đạo, quản lý. Để làm được điều này, ông cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác cán bộ. Các quy trình về công tác cán bộ cần trở thành cơ chế "để lựa chọn người tốt nhất, người xứng đáng nhất, chứ không phải là cơ chế để hợp thức hóa việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt người không đảm bảo tiêu chuẩn, không thực sự tiêu biểu, không thực sự vì dân". Ngoài việc minh bạch hóa quy trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và tăng cường kiểm tra, giám sát, cần xây dựng cơ chế phát hiện, bảo vệ và trọng dụng người tài, đồng thời có cơ chế xử lý trách nhiệm rõ ràng. Ai giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ sai tiêu chuẩn, thiếu phẩm chất, yếu năng lực thì phải chịu trách nhiệm; kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.
Thứ sáu là tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng. Việc này không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là bước đột phá nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới. Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đảng viên, điều hành tổ chức Đảng. Việc xây dựng hệ thống quản lý đảng viên trên nền tảng số giúp tăng cường tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong quản lý hồ sơ, quá trình công tác, đánh giá, phân loại đảng viên. Điều này giúp các cấp ủy nắm bắt chính xác tình hình đội ngũ, từ đó có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển hợp lý, khắc phục tình trạng quan liêu, thiếu thực tiễn. Các công nghệ mới cũng giúp nâng cao năng lực phát hiện sớm các vấn đề nổi cộm, phân tích, dự báo, đề xuất giải pháp phù hợp. Công nghệ số cung cấp dữ liệu chính xác, khách quan, giúp các cấp ủy đưa ra quyết định đúng đắn, dựa trên những phân tích khoa học thay vì cảm tính.
Thứ bảy là năm 2025 các cấp ủy đảng, từng chi bộ, mỗi đảng viên tập trung sức lực, trí tuệ cùng nhân dân phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đã được nêu trong các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, đặc biệt chú trọng các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội; tổ chức tiến hành đại hội đại biểu Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của Đảng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đóng góp ý kiến vào nội dung văn kiện của Đảng; giới thiệu và lựa chọn những người thật tiêu biểu, vì nước, vì dân tham gia vào hệ thống chính trị các cấp; tạo không khí thật sự dân chủ, đoàn kết, hăng say lao động sản xuất, xây dựng, phát triển quê hương đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân.