Mái nhà chung của ngư dân nơi tuyến đầu Tổ quốc

Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo - Ngày đăng : 05:05, 05/02/2025

Từ bao đời nay, quần đảo Trường Sa đã trở thành điểm tựa tin cậy của ngư dân cả nước mỗi khi vươn khơi đánh bắt hải sản. Nơi đầu sóng ngọn gió biển trời Tổ quốc, đảo Đá Tây nổi bật bởi có Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) và âu tàu quy mô lớn…

Sát cánh cùng ngư dân

Trong hải trình thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa dịp Xuân Ất Tỵ 2025, tôi có dịp đến thăm đảo Đá Tây – nơi cách bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 235 hải lý. Sau khi được chỉ huy nơi đây giới thiệu về đảo, tôi tìm đến Trung tâm DVHCNC. Tiếp chúng tôi, ông Vũ Trí Thuấn – Phó Giám đốc Trung tâm DVHCNC cho hay, Trung tâm thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2005, Trung tâm có nhiệm vụ cung ứng lương thực thực phẩm, đồng thời tiêu thụ sản phẩm của bà con ngư dân ngay trên biển. Đặc biệt, Trung tâm luôn sẵn sàng cung cấp nước đá, nước ngọt miễn phí, nhận sửa chữa miễn phí các tàu thuyền và cứu nạn cứu hộ trên biển.

z6276446272067_1f7e8cc2af701639780117bbd833a810.jpg
Ông Vũ Trí Thuấn giới thiệu với chúng tôi về dây chuyền sản xuất nước đá và hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt của Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây. 

Có mặt trên vùng biển trời của Tổ quốc, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khoa (43 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) là chủ tàu cá BĐ 97153 - TS. Ông Khoa cho biết, đội tàu đánh bắt của ông có 6 tàu, mỗi tàu có 13 - 15 thuyền viên tham gia đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. “Bên cạnh các tổ đánh bắt hỗ trợ nhau trên ngư trường, những năm qua ông thường xuyên nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Trung tâm DVHCNC về nhiên liệu, nước ngọt, nước đá và các loại lương thực, thực phẩm khác”. Trong niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Khoa cho hay, nếu như trước đây bà con ngư dân khi hết nhiên liệu đánh bắt hải sản phải vào đất liền để mua, sau đó mới có thể quay ra biển đánh bắt tiếp, rất tốn thời gian, chi phí. Từ khi có trung tâm, các tàu có thể đến mua nhiên liệu hay bán hải sản tại chỗ để tiếp tục đánh bắt xa bờ, điều đó giúp bà con đánh bắt cá được nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn. Mỗi khi có sóng to gió lớn, tàu cá của ngư dân được hướng dẫn vào âu tàu để tránh bão, khi tàu cá gặp sự cố máy móc đều được trung tâm sửa chữa miễn phí.

z6217656909873_8556431e284abb7904e7e69acb03367b.jpg
z6217656909877_d4165740446a5b2f967b2e64e68158e0.jpg
Trung tâm DVHCNC cung cấp đá lạnh miễn phí cho tàu cá ngư dân.

Cùng bổn đạo với ông Khoa trên quần đảo Trường Sa còn có ông Phan Tiên. Chia sẻ về những chuyến biển của mình, ông Phan Tiên cho biết, sản lượng mỗi năm tuy có tăng, có giảm, song cũng đủ để các thuyền viên tàu cá của ông đón một cái tết vui tươi, đầm ấm cùng người thân ở đất liền. Để có được những chuyến biển đầy ắp cá tôm ấy, để gia đình được đón tết vui tươi, bên cạnh nỗ lực của mỗi thuyền viên là nhờ sự hỗ trợ tích cực, thường xuyên, kịp thời của Trung tâm DVHCNC trong việc cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm - ông Phan Tiên khẳng định.

z6217656845283_54c455db106f196579cf2d419b90ff20.jpg
Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. 
z6217656950349_f03c991b703377af1bccfa6a217346f4.jpg
Âu tàu ở đảo Đá Tây - nơi tranh trú bão an toàn, có sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá. 

Ngôi nhà chung ngư dân trên biển

Được biết, Trung tâm DVHCNC ở đảo Đá Tây còn có âu tàu rộng 13 ha với sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá. Trung tâm đã được đầu tư một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Trung tâm DVHCNC ở đảo Đá Tây có đội tàu dịch vụ gồm 11 chiếc, trong đó 1 tàu làm nhiệm vụ chứa dầu, 1 tàu kéo, 9 tàu vận chuyển hàng hóa. Chính điều này mà chỉ trong thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân khi đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa. Từ đây, ngư dân có thêm điều kiện thuận lợi để đánh bắt xa bờ dài ngày, đồng thời khẳng định chủ quyền biển trời của ta nơi đầu sóng ngọn gió.

Năm 2024, trung tâm đã cấp trên 442.000 lít dầu cho ngư dân, 126.400 cây đá, 2.452 m3 nước ngọt miễn phí và sửa chữa miễn phí cho 24 tàu thuyền của ngư dân. Có 783 lượt tàu cá ra vào âu tàu để tránh trú bão, tiếp nhiên liệu, nước ngọt. “Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các hoạt động dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây và khu vực để bà con tăng thời gian bám biển, tăng thu nhập với chi phí thấp. Trung tâm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để bà con thêm vững tin trong mỗi chuyến vươn khơi, để trung tâm thực sự trở thành ngôi nhà chung của ngư dân cả nước, là điểm tựa, là địa chỉ tin cậy, hậu phương vững chắc cho ngư dân trong mỗi chuyến biển” - Phó Giám đốc Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, Trung tâm DVHCNC đảo Đá Tây còn phối hợp với các lực lượng trên khu vực đảo làm tốt công tác bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thượng tá Nguyễn Tường Tín – Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết, song song với các dịch vụ hậu cần nghề cá đầy nghĩa tình và trách nhiệm, trọng tâm là cung ứng lương thực, dầu, tổ chức thu mua hải sản lưu động trên biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và bố trí nơi ăn nghỉ cho bà con, cũng như sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân mỗi khi bà con đau ốm, bệnh tật hay khi ngư dân có nhu cầu tránh trú bão. Trung tâm còn làm tốt nhiệm vụ tuần tra, xua đuổi các tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam, tổ chức luân phiên canh trực trong lòng hồ các đảo Đá Tây, Núi Le, Đá Lớn, Tốc Tan, Sinh Tồn, sẵn sàng cứu hộ hàng hải và các nhiệm vụ khác khi được yêu cầu...

LÊ PHÚC