Kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí trong năm 2025
Pháp luật - Ngày đăng : 05:27, 06/02/2025
Số người bị nạn còn ở mức cao
Một trong những nỗ lực để đảm bảo ATGT năm qua là việc các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, mở cao điểm tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là những hành vi có thể trực tiếp gây tai nạn giao thông (TNGT). Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, xử lý phương tiện chở hàng quá tải trọng, kiểm soát chặt chẽ phương tiện kinh doanh vận tải. Kết quả, các lực lượng chức năng (lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh, Thanh tra giao thông, Tổ kiểm tra liên ngành, công an các địa phương) đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hơn 54.800 trường hợp với tổng số tiền trên 124 tỷ đồng.
Bên cạnh, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT; công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông cũng được tăng cường và thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, với việc tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác đã kết nối thông suốt với hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần quan trọng trong việc giảm tải lưu lượng phương tiện và giảm TNGT tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh...
Ban ATGT tỉnh cho biết, trong năm qua toàn tỉnh xảy ra 603 vụ TNGT, làm chết 194 người, bị thương 516 người. So với cùng kỳ tăng 110 vụ (tăng 22%), giảm 38 người chết (giảm 16%), tăng 179 người bị thương (tăng 53%). Nhiều địa phương có TNGT tăng cao trên cả 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương là Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, riêng huyện Phú Quý TNGT tăng cao trên cả 3 tiêu chí.
Giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương
Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu kiềm chế, kéo giảm TNGT từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí. Mục tiêu ấy thể hiện quyết tâm rất lớn của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho mỗi người dân khi tham gia giao thông, song cũng là thách thức không nhỏ. Bởi trên thực tế, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn hạn chế. Đáng quan tâm, việc chấp hành quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông còn mang tính đối phó, tình trạng chạy xe mô tô tốc độ cao, thiếu chú ý quan sát để va chạm vào đuôi xe ô tô đi cùng chiều hoặc đang dừng, đỗ gây TNGT. Trong khi đó, một số địa phương chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng họp chợ buôn bán dọc các tuyến đường, lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; việc xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT chưa kịp thời thực tế phát sinh.
Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức triển khai đồng bộ Luật TTATGT đường bộ năm 2024, Luật Đường bộ năm 2024; gương mẫu tự giác chấp hành pháp luật quy định nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Ban ATGT tỉnh phải chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát các điểm đen, điểm mất an toàn giao thông để tập trung xử lý. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT của Ban ATGT các địa phương có TNGT tăng.
Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về TTATGT, tiếp tục thực hiện các cao điểm, chuyên đề xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ đưa nội dung bảo đảm TTATGT đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên...
UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè; xử lý kiên quyết các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố, hành lang ATGT đường bộ. Các địa phương có đường cao tốc đi qua tổ chức tuyên truyền, cảnh báo, nhắc nhở người dân không được đi mô tô - xe gắn máy, các phương tiện thô sơ, đi bộ vào đường cao tốc; điều tra, xử lý nghiêm tình trạng trộm cắp thiết bị hạ tầng đường cao tốc. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng ném đất đá, phá dỡ rào chắn, hộ lan, hàng rào bảo vệ đường cao tốc; giải tỏa các công trình, trạm dừng chân tự phát. Địa phương có tuyến đường sắt đi qua không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt; rà soát, thống kê đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở phù hợp với hiện trạng quản lý trên địa bàn. Các địa phương có hoạt động đường thủy nội địa từ bờ ra các đảo ven bờ, trên các sông, hồ, đập phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn phương tiện và hành khách đối với các phương tiện thủy hoạt động chở khách; ngăn chặn, xử lý các hoạt động chở khách tự phát không đảm bảo ATGT.