Sẽ hết nhớ quê thôi…

Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 05:50, 07/02/2025

Sau hơn mười tiếng vất vả len lỏi trong dòng người đổ về thành phố, gia đình tôi đã về đến nhà. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra chỉ là một căn phòng trọ nho nhỏ hơn chục mét vuông, đủ để ba con người chui ra chui vào, thêm chiếc xe máy cà tàng làm phương tiện kiếm cơm cho chồng. Anh chạy grap.

Má hay biểu ăn học chi rồi lại đi chạy grap, anh cười xòa làm gì cũng được miễn kiếm tiền chân chính là được mà má, chạy grap cũng còn hơn lương cứng làm văn phòng. Anh nói đúng, thu nhập tuy linh động từng tháng nhưng chịu khó thì hơn lương cứng văn phòng bởi anh còn nhận chạy giao đồ ăn, thức uống cho vài ba quán lúc ế khách. Tôi thì làm văn phòng để ổn định giờ giấc có thể đón đưa con cái, lo cơm nước cửa nhà. Nói chung thu nhập đủ sống, tằn tiện chút ít dành dư cuối năm tết nhất hay khi con cái ốm đau. Còn chuyện mua nhà thì… Chồng hay bảo cứ ước mơ đi, biết đâu ông trời cho mình làm ăn được, một ngày nào đó sẽ mua được nhà. Ừ, có thể lắm chớ, cuộc đời ai biết đâu được, bể dâu còn đổi dời.

screenshot_1738882298.png

Nói là nói vậy chớ đôi khi tối nằm ngẫm lại cuộc đời cũng thấy buồn. Con cũng đã lên lớp hai mà chẳng dám sinh đứa nữa. Sinh nữa thì tiền đâu mà nuôi. Phòng trọ thì chật hẹp, cái gác bé xíu ba người nằm đã chật, thêm một người nữa thì nằm làm sao. Rồi tội cho tụi nhỏ không có chỗ chơi, chui ra chui vô chật chội, ẩm thấp, nóng nực. Nên thôi dù bên nội giục, bên ngoại hối, hai chúng tôi vẫn quyết không sinh nữa. Con cái bây giờ là một bài toán đố, mấy người giải được. Còn công việc thì cũng tàm tạm đủ ăn qua ngày, chẳng phát triển gì. Đôi khi lướt facebook thấy bạn học ngày trước đứa làm trưởng phòng này, đứa mở công ty kia, đứa là chủ cửa hàng nọ… thấy sao tủi thân quá chừng, người ta giỏi dữ còn mình cứ lẹt đẹt hoài chẳng ngóc đầu lên nổi. Nên mấy bận bạn bè í ới họp lớp tôi cứ thoái thác tìm cớ không đi. Mình nghèo đi họp lớp sao dám nhìn mặt ai, dẫu hồi đó cũng nằm top ten của lớp chứ không phải hạng xoàng. Tâm sự với chồng, anh thở dài bảo đời người đâu phải học giỏi là thành công, còn phải nhờ may mắn và lanh lẹ nữa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thiếu một trong ba ắt không thể thành công được. Nhưng em đừng có trông lên nữa, trông xuống đi, còn nhiều người khổ hơn mình mà. Nhìn đâu xa, nhà bà Hai hàng xóm đó. Tôi cười buồn, ừ, thiệt tình nhiều người khổ hơn mình.

Bà Hai vốn ngày trước là giáo viên tiểu học, cũng có căn nhà nho nhỏ ở quê. Chồng cờ bạc, gái gú quá chịu không nổi, bà đành phải ly dị, một mình nuôi bốn đứa con ăn học. Khổ cái con bà chẳng đứa nào chịu học hành đàng hoàng, hết cấp ba là bỏ lên thành phố đi làm. Đứa thì làm công nhân, đứa thì đi nấu bếp. Còn mình bà ở quê nhà lủi thủi ra vô. Năm bà năm mươi tuổi, thằng con út về thỏ thẻ má ơi bán nhà lên thành phố ở với cha con con đi, con vợ nó bỏ theo trai rồi, giờ không ai chăm cho bé Nhí nữa. Thương con thương cháu mà cũng ngần ngại chần chừ. Năm mươi thì vừa tuổi nghỉ hưu, cũng chẳng làm gì, nhưng bán nhà lên thành phố thì sao nghe không mấy mặn mà. Thằng út cứ ỉ ôi má ơi nghỉ hưu rồi thì ở quê một mình làm gì cho buồn, bán nhà đi má lên đây con góp tiền vào mua nhà khác, má chỉ ở nhà cơm nước là được, gần con gần cháu không hơn lủi thủi một mình ở quê sao. Nó nói cũng có lý, thôi thì giờ mấy đứa nó ở thành phố hết, lên trển cũng gần con gần cháu. Vậy là bán. Thằng út bảo bà làm đơn rút bảo hiểm một lần luôn chứ lương hưu ai về quê được mà lấy. Tiền đó đưa nó đầu tư làm ăn, kiếm tiền lo cho má. Nghe cũng hợp tình hợp lý, vậy là bà làm theo lời nó. Lên thành phố, nó cũng mua nhà thiệt, nhưng đất thành phố đâu phải dễ mua. Với vài trăm triệu thì chỉ mua được căn phòng trọ nhỏ, giấy tờ sang tay chẳng sổ sách gì ráo. Nó an ủi đất thành phố mà có phải ở quê đâu, có chỗ chui ra chui vô là tốt rồi. Người ta cũng toàn mua sang tay như vậy không, có phải mình mình đâu mà lo. Bà đành ngậm ngùi chớ biết nói gì. Còn ít tiền bảo hiểm của bà, nó đem hùn vốn với bạn bè mở quán ăn. Làm ăn thì cũng có đồng ra đồng vào, khổ nỗi có nhiêu nó đem nướng vào sòng bài hết nhiêu. Khi bà biết thì đã nợ nần xã hội đen mấy trăm triệu, lãi mẹ đẻ lãi con. Nó đành sang lại quán cho bạn bè rồi đi làm đầu bếp thuê cho quán khác. Ăn uống trong nhà nó bỏ mặc bà tự lo, còn con gái thì nó mua cơm hộp cho ăn. Bà đành phải đi bán vé số để tự nuôi thân. Thấy bà tội nghiệp, người ta ủng hộ nhiều nên bà tự lo bản thân được còn dành dụm tiết kiệm chút ít. Mỗi khi ngồi chuyện trò bà hay biểu dành để về quê mua căn nhà nhỏ ở, mà hổng biết chừng nào đủ tiền nữa thím ơi. Nói xong câu đó mắt bà rưng rưng nhưng ráng nuốt nước mắt vào trong không muốn cho người ta thấy nỗi đau đang cào xé trong lòng. Tôi an ủi:

- Cuộc đời sống nay chết mai, sống ngày nào thì lo ngày đó hơi đâu buồn chi cô ơi. Cô cứ vô tư sống đi, chân tay còn mạnh khỏe là được, chớ có tiền mà nằm một chỗ cũng đâu ăn xài gì được.

Nghe vậy bà móm mém cười. Vậy mà tôi vẫn thấy rơi rớt trong đôi mắt đó một nỗi buồn mênh mang, sâu thẳm như mặt sông thấy yên ả mà đang cuộn sóng dưới đáy.

Vợ chồng tôi thân với bà Hai bởi hai phòng sát vách và cũng bởi thương bà không có quê để về. Nên có gì ăn chúng tôi đều mời bà chút ít gọi là san sẻ cùng nhau. Tôi còn nhớ trước tết, hai tám chúng tôi mới túi to túi nhỏ chuẩn bị về quê còn bà ngồi buồn thiu ngó ra con hẻm nhỏ dẫn vào khu trọ. Mấy phòng trọ khác người ta đã về quê từ mấy ngày trước, cửa đóng im ỉm. Thấy bà ngồi chòng gọc, tôi hỏi thăm chớ nay không đi bán vé số sao, bà cười gượng biểu số bán hết hồi sáng sớm rồi, chờ xế trưa mới có số ngày mai, chiều mát chút mới đi nổi chớ trưa nắng lắm. Bà hỏi sao nhà tôi về quê trễ vậy, tôi cười đáp do chồng ráng chạy xe thêm mấy ngày kiếm ít đồng về quê có tiền lì xì tết nên về trễ. Bà biểu đợi chút rồi chạy vào trong lấy ra bao lì xì đỏ dúi vào tay bé Mon, xoa xoa đầu nó âu yếm:

- Bà mừng tuổi nhen con, mau lớn học giỏi há. Để dành bữa giờ mà quên mất. Cô chú về quê mạnh giỏi, ăn tết vui vẻ nhen.

Chúng tôi chào bà, chúc bà đón tết vui vẻ, buôn bán đắt hàng. Xe chạy ra đầu hẻm, tôi ngoái lại nhìn thấy bà còn đứng ngóng theo. Dẫu không thấy rõ nhưng hình như tôi thấy bà đưa tay quẹt mắt, có lẽ bà khóc mà cũng có thể quẹt nỗi nhớ thương quê hương sang một bên để khỏi phải rơi lệ nơi đất khách quê người.

Sau tết, chúng tôi lại từ quê ra, lại gói to gói nhỏ đùm đề. Những thức quà quê luôn ngon lành, quý giá với người thành phố. Nào là bắp cải to xanh mướt trong vườn. Nào bưởi, nào vú sữa, nào khoai mì, khoai môn, khoai bình tinh, cả lá gừng tươi xanh nữa, mớ khổ qua rừng, đọt lang, đọt chùm ngây… chao ôi đầy ắp mùi vị quê nhà. Chúng tôi chia bớt cho bà Hai mớ rau quê. Luộc một nồi khoai mì lẫn bình tinh thơm phức mùi lá dứa, giã một cối muối ớt thiệt cay, mời bà nhâm nhi sau giấc trưa. Đôi mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc, hít hà mùi khói bốc lên, nhâm nhi củ bình tinh tấm tắc khen:

- Hai mấy năm nay tui mới được ăn lại củ bình tinh lại đó. Ngon thiệt chớ. Ở đây đâu ai bán mà mua, có thèm cũng đành chịu.

- Giờ khoai này hiếm lắm cô, ít nhà trồng. Má con thấy bán được giá nên trồng mé rào một ít, để ăn với lại bán được chút nào thì bán. À, chùm ngây nấu canh ăn mát lắm, còn bổ hơn thịt bò đó cô, phải ở đây có đất con cũng trồng một cây có đọt nấu canh. Cây này dễ sống mà ăn lại ngon.

Người đàn bà bước qua tuổi bảy mươi hai khe khẽ thở dài. Giọng rưng rưng đầy tiếc nuối:

- Phải chi hồi đó tui đừng ngu nghe lời con cái bán nhà dưới quê thì giờ đâu đến nỗi. Giờ tụi nó coi tui như cục nợ, tị nạnh lẫn nhau. Mấy ngày nay tui ho quá chừng, bác sĩ biểu viêm phế quản phải nghỉ ngơi. Chắc do trời lạnh quá. Tụi nó có thèm ngó tới tui đâu, tui lấy tiền tiết kiệm ra tự bắt xe ôm đi khám bệnh, rồi tự mua cơm hộp ăn. Nó dẫn con nó đi chơi suốt ngày, chắc lại bài bạc gì đó.

Tôi chẳng biết phải an ủi bà thế nào cho phải. Vết thương bưng mủ cương lên thì chỉ cần chạm nhẹ thôi đã khiến người ta đau điếng rồi. Tôi đành lảng qua chuyện khác:

- Cô ăn khoai đi, mùa này khoai bột ngon lắm. Khi nào tái khám cô nói chồng con chở đi nha, đỡ vài đồng xe ôm để dành mua thuốc.

- Cám ơn cô chú. Cô chú người dưng mà tốt với tui quá, đâu như mấy đứa con tui, mang nặng đẻ đau ai dè khi mình già tụi nó bỏ mặc.

Người đàn bà đã qua bảy mươi hai mùa tết quẹt vội nước mắt. Lần này bà không thể kiềm chế được nữa khóc thành tiếng. Con bé Mon chạy vội vào phòng lấy khăn giấy cho bà. Nhận bị khăn giấy từ con bé, người đàn bà móm mém cười như mếu. Tôi thấy trong đôi tròng mắt mờ đục của bà một nỗi buồn mênh mông, sâu thẳm. Và nỗi buồn ấy vương cả sang lòng tôi khiến tôi như chìm vào cánh đồng đầy sương cô độc bủa giăng khắp nơi. Tôi vội nắm lấy tay bà tìm hơi ấm. Bà trấn an tôi rằng không sao, hết tết rồi, bà cũng sẽ hết nhớ quê thôi. Ừ, sẽ hết nhớ quê thôi bởi guồng xoay cơm áo còn đợi chúng tôi trước mặt, vào ngày mai…

Truyện ngắn của KHÁNH NGÂN