Xuân năm Tỵ sáng mãi một hồn thơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:55, 07/02/2025

Khi cả nước đang chuyển mình vào xuân Ất Tỵ (2025) gợi nhớ đến mùa xuân Đinh Tỵ xa xưa (1077). Bài viết này bày tỏ phần nhỏ cảm xúc lược qua lịch sử nước nhà, thấy rằng có những năm Tỵ cha ông đã làm nên những trang sử hào hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm, để lại niềm tự hào cho con cháu về sau.

Tháng 3 năm Tân Tỵ (981), dưới sự lãnh đạo của vua Lê Ðại Hành, quân dân nước Ðại Cồ Việt đánh tan thủy quân giặc Tống xâm lược. Quân Tống thất bại, bãi binh. Năm Ðinh Tỵ (1077), nhà Tống một lần nữa cử các tướng giỏi Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta để báo thù, nhưng bị quân ta dưới sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt đánh tan trên sông Như Nguyệt, buộc quân Tống chấp nhận điều đình rút quân về nước. Năm Ðinh Tỵ (1257), quân Mông Cổ với chủ tướng Ngợp Lương Hợp Thai (Uryangkhadai) và nhiều tướng giỏi đưa hai đạo quân theo đường sông Thao tiến vào xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thái Tông và các tướng tài như Trần Quốc Tuấn… quân dân nhà Trần đã đánh tan quân Nguyên Mông ở Ðông Bộ Ðầu (Long Biên - Hà Nội). Quân giặc hốt hoảng tháo chạy về nước… Còn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác cả nghìn năm qua của dân tộc diễn ra trong những năm Tỵ, nhưng ở đây xin trở lại sự kiện hiển hách đánh tan quân Tống xâm lăng trên sông Như Nguyệt, ngân vang lời thơ Nam quốc sơn hà (NQSH) của Lý Thường Kiệt, như bản tuyên ngôn độc lập rực sáng hào khí triều đại nhà Lý.

34361-cd3e3c2185698a2481c3f053c411ac16.jpg

Tại sao trận chiến lại diễn ra trên sông Như Nguyệt. Từ xưa, lối đi ngắn nhất và đã trở thành quen thuộc với người phương Bắc, cũng như các sứ thần Trung Hoa đến nước ta bằng đường bộ; đi từ Ải Nam quan đến bờ bắc bến đò Như Nguyệt chỉ mất khoảng 4 ngày. Rồi họ vượt sông Cầu đi tiếp qua các làng xã hơn nửa ngày đến Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội); qua sông Hồng là đến Đại La (Thăng Long). Nên quân Tống 2 lần sang xâm lược nước ta (lần 1 năm 981, lần 2 năm 1077), đều đưa quân theo đường ấy để dễ dàng vượt qua bến sông Như Nguyệt tiến đánh Đại La. Nhưng lần 1 cũng như lần 2, quân Tống đã bị quân ta đánh tan. Ở lần 2, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, tổ chức cho hai vạn quân đánh bại quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy trên bến đò sông Như Nguyệt. Quân Tống chết hơn một nửa, thất bại thảm khốc, rút quân về nước. Theo Việt Điện U Linh tập(1), mục Chuyện Trương Hống, Trương Hát có chép: “Thời vua Nhân Tông nhà Lý, binh Tống nam xâm kéo đến biên cảnh; vua sai Thái úy Lý Thường Kiệt dựa bờ sông đóng cừ để cố thủ. Một đêm kia quân sĩ nghe trong đền có tiếng ngâm to rằng: “Sông núi nhà Nam Nam đế ở/ Phân minh trời định tại thiên thư./ Cớ sao nghịch lỗ sang xâm phạm?/ Bọn chúng rồi đây sẽ bại hư”. Quả nhiên quân Tống chưa đánh đã tan rã. Thần mộng rõ ràng, mảy lông sợi tóc chẳng sai”.

Với chiến thắng Như Nguyệt vào mùa xuân Đinh Tỵ (1077), quân và dân nhà Lý đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; đây là một trong những trận đánh tuyệt vời của lịch sử dân tộc chống ngoại xâm, mà người chỉ huy trận đánh là vị tướng tài Lý Thường Kiệt, đã đem lại độc lập, chủ quyền lãnh thổ cho Tổ quốc.

Bài thơ NQSH nổi tiếng có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà sử học về xuất xứ, bởi khi ra đời đã là một huyền thoại truyền khẩu, rồi lưu truyền trong dân gian. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bài thơ nguyên văn là chữ Hán(2). Phiên âm: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Bài thơ là hồn cốt, là khí phách hùng thiêng của non sông đất nước, nên từ khi ra đời (từ truyền khẩu đến văn bản hóa) cho đến nay trải qua cả nghìn năm nó luôn tỏa sáng với thời gian. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “tại 372 đền miếu dọc hai bờ sông Cầu và sông Thương đều có bài thơ NQSH”(3). Nó là niềm tự hào qua các triều đại phong kiến cho đến bây giờ.

Năm 1973, sau khi chính thức ký Hiệp định Paris về Việt Nam, ông Kissinger, trưởng đoàn đàm phán Mỹ đến Hà Nội và vào thăm Bảo tàng lịch sử. Đứng trước bài thơ Nam quốc sơn hà trong phòng trưng bày, vị khách đặc biệt này đã phải thừa nhận, bài thơ chính là “Điều 1 khoản 1 của Hiệp định Paris”. Nội dung của khoản 1 này là “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”(4). Ngày nay trên các đảo tiền tiêu ở Biển Đông, NQSH đã được gắn trong am thờ những người lính biển. Bài thơ còn là hồn cốt thiêng liêng gắn trên các bia đài và những cột mốc chủ quyền trên các vùng biên cương đất nước(5).

Năm nay, dân ta bước vào đón xuân Ất Tỵ (2025), Chính phủ chủ trương đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, tăng tốc của dân tộc. Mọi công dân đều kỳ vọng và tin tưởng đất nước sẽ chuyển mình tạo nên những kỳ tích mới, khắc vào lịch sử nước nhà những mốc son rực sáng, để lại muôn đời niềm vui và tự hào cho con cháu như sức sống của bài thơ Thần Nam quốc sơn hà với thời gian.

(1) Tham khảo theo Lý Tế Xuyên – http://www.sugia.vn; (2) Nguyên tác chữ Hán: 南國山河南帝居/ 截然分定在天書/ 如何逆虜來侵犯/ 汝等行看取敗虛 (Bản dịch thơ của Trần Trọng Kim: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”); (3) nghiencuulichsu.com› noi-bat-dau-cua-huyen-thoai-nam-quoc-son-ha; (4) (Hiệp định Paris 1973. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia); (5) Đỗ Sơn: Nam quốc sơn hà trên đảo Trường Sa.

Võ Nguyên