Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn 3%/năm
Xã hội - Ngày đăng : 09:52, 23/02/2025
Nhằm tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 2481/KH-UBND ngày 2/8/2022 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, tỉnh Bình Thuận tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đời sống đồng bào đã được khởi sắc
Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên địa bàn, những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội vũng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (vùng đồng bào DTTS). Nhờ đó, cuộc sống của bà con đã thực sự khởi sắc. Điều mà ai cũng nhận thấy đó là, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước được thu hẹp dần. Phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập. Với việc xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội... Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Thuận tiến hành hàng loạt các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo bền vững, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo… Mục đích nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Chính vì thế thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi là 46,8 triệu đồng người/năm, tại 17 xã thuần là 43,6 triệu đồng người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm 3,05%, tỷ lệ hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giảm 2,13%. Đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện có hiệu quả toàn diện trên các mặt dân sinh, kinh tế, xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội tiếp tục được đầu tư xây dụng đồng bộ. Quỹ đất nông nghiệp được tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã, điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp, trạm y tế có bác sỹ. Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa được phát triển toàn diện, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy, các thiết chế văn hóa được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân được nâng cao, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Mạng lưới trường lớp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS được triển khai đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đặc biệt sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng phát huy.

Tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trong năm 2025
Mục tiêu của tỉnh là trong năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là 3%/năm, số thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 5 thôn, tỷ lệ 50%. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cấp, các ngành trong tỉnh để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025. Triển khai thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả với các Chương trình, dự án, chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện. Các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo giải ngân tối đa nguồn vốn đã được phân bổ theo kế hoạch. Đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, khai thác nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, đầu tư các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung chỉ đạo, giải quyết những khó khăn trong vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng DTTS và miền núi với thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào. Bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp, tránh dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt, như chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm… Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội tại vùng đồng bào DTTS và miền núi…