Thời gian không đợi

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:32, 28/03/2025

Sau khi chúng tôi viết bài Dấu hỏi mùa thi đang đến trên Bình Thuận cuối tuần số 7806, một số bạn đọc lại đặt câu hỏi về môn tin học trong nhà trường phổ thông Việt Nam có cập nhật dạy nội dung trí tuệ - nhân tạo (AI) không? Bởi hiện nay nhiều nước người ta đưa nội dung AI vào dạy ở bậc phổ thông rồi.

Tôi chưa kịp tìm hiểu để trả lời thì một thầy giáo chuyển cho tôi nội dung của “UNESCO: Tuyên bố chung Bắc Kinh 2019 về trí tuệ - nhân tạo và giáo dục” (UNESCO: 2019 Beijing Consensus on AI and Education).

ai-1.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hóa ra, đây là một văn kiện quan trọng được UNESCO thông qua tại Hội nghị Quốc tế về Trí tuệ - Nhân tạo và Giáo dục tổ chức tại Bắc Kinh năm 2019. Tuyên bố này nhấn mạnh vai trò của AI trong việc thúc đẩy giáo dục, đồng thời đề xuất các nguyên tắc và hướng dẫn để ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục.

Về cuộc tọa đàm “Tầm nhìn, định hướng tương lai cho giáo dục trong kỷ nguyên AI” này đã tuyên bố đồng thuận về AI và giáo dục (có Bộ trưởng 50 nước + 500 đại biểu: 44 khuyến nghị) với những nội dung cơ bản như: Lập kế hoạch AI trong chính sách giáo dục; AI cho việc quản lý và truyền tải giáo dục; AI hỗ trợ việc dạy học và giáo viên; AI cho việc học và đánh giá học tập; Phát triển các giá trị và kỹ năng sống và làm việc trong kỷ nguyên AI; AI mang lại cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Thúc đẩy việc sử dụng AI một cách công bằng và toàn diện trong giáo dục; AI bình đẳng giới và AI vì bình đẳng giới; Đảm bảo việc sử dụng dữ liệu và thuật toán có đạo đức, minh bạch và có thể kiểm soát được; Giám sát, đánh giá và nghiên cứu; Tài chính, phối hợp và hợp tác quốc tế.

Tuyên bố chung UNESCO từ năm 2019, đến nay nhiều quốc gia đã lập kế hoạch trong chính sách giáo dục để đưa AI vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Có thể nhìn thấy chương trình giảng dạy AI khá cụ thể để thực hiện giảng dạy cho học sinh ở một số nước như Hàn Quốc, đặc biệt là Trung Quốc, họ đã xây dựng chương trình đào tạo AI bậc giáo dục phổ thông cho 3 cấp học như sau:

Cấp tiểu học: Với 4 nội dung giảng dạy: Giới thiệu khái niệm AI cơ bản; Các ứng dụng AI trong đời sống; Học qua trò chơi robot lập trình đơn giản; Nhận diện giọng nói, hình ảnh qua ứng dụng AI.

Về phương pháp giảng dạy: Học tập trải nghiệm, trò chơi AI; Sử dụng thiết bị đơn giản như robot giáo dục.

Cấp trung học cơ sở: Với 5 nội dung giảng dạy: Lập trình Python cơ bản; Cấu trúc dữ liệu và thuật toán cơ bản; Học máy (Machine Learning) nhập môn; Ứng dụng AI trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính; Phát triển các dự án AI nhỏ (chatbot, nhận diện hình ảnh).

Về phương pháp giảng dạy: Học theo dự án, lập trình thực hành; Sử dụng phần mềm mô phỏng AI; Tích hợp AI vào môn tin học và khoa học (VN nhấn mạnh); Thực hành trên nền tảng AI trực tuyến.

Cấp trung học phổ thông: Với 5 nội dung giảng dạy: Học sâu (Deep Learning) nhập môn; AI trong dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu; Xây dựng và huấn luyện mô hình học máy; Đạo đức và trách nhiệm sử dụng AI; Phát triển dự án AI thực tế (xe tự hành, chatbot nâng cao. AI hỗ trợ y tế).

Phương pháp giảng dạy: Học theo hướng nghiên cứu và sáng tạo; Xây dựng mô hình AI thực tế; Hợp tác với doanh nghiệp, trường đại học; Tham gia các cuộc thi AI cấp quốc gia(*).

Xem chương trình giáo dục AI người ta đưa vào bậc học phổ thông như vậy, tôi gọi điện thoại đến một giáo viên dạy tin học ở cấp trung học phổ thông hỏi bộ môn của thầy có đề cập gì đến việc dạy nội dung AI cho học sinh không. Thầy nói Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không có nội dung giảng dạy trí tuệ - nhân tạo. Cũng từ đó đến nay không thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hay phụ lục nào hướng dẫn bổ sung cập nhật nội dung AI vào môn tin học để giảng dạy cho học trò. Thầy nói không những đưa vào giảng dạy cho học sinh mà còn phải hướng dẫn tập huấn cho giáo viên cập nhật để vận dụng trong công việc giảng dạy. Hiện nay một số thầy cô – cả học sinh nữa, đang sử dụng AI có hiệu quả, nhưng còn manh mún, mang tính tự phát trong nhà trường.

Chính phủ đang phát động và yêu cầu tất cả các ngành nghề tăng cường vận dụng thực hiện kỹ năng chuyển đổi số ở các đơn vị, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, lẽ nào giáo dục trong nhà trường phổ thông cứ để AI tự phát không đồng bộ như hiện nay!

(*) Nguồn: Tọa đàm “Tầm nhìn, định hướng tương lai cho giáo dục trong kỷ nguyên AI” Sở GD&ĐT TP. HCM - https://www. youtube.com/watch?v=Fp-vT3pzQOg&t=12910s.

Võ Nguyên