Nhiều yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng quý đầu năm

Đời sống - Ngày đăng : 05:05, 07/04/2025

Ghi nhận của Chi cục Thống kê Bình Thuận cho thấy trong tháng 3 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại địa phương giảm 0,1% so tháng trước đó, tuy nhiên so cùng kỳ năm 2024 thì tăng 1,9% và so thời điểm cuối năm ngoái tăng 1,3%. Tính chung CPI bình quân của quý đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,96%.

Qua phân tích, Chi cục Thống kê Bình Thuận đã cho biết một số yếu tố làm tăng CPI quý I/2025. Đó là chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,4% so cùng kỳ do giá mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm, thịt chế biến hoặc giá mặt hàng thực phẩm thủy sản tươi sống, rau - quả tươi tăng cao vào dịp Tết Ất Tỵ vừa qua. Ngoài ra, chỉ số giá của nhóm hàng “đồ uống và thuốc lá”, “may mặc, mũ nón và giày dép”, “thiết bị và đồ dùng gia đình” cũng thể hiện mức tăng trong cao điểm Tết Nguyên đán. Cùng với nguyên liệu đầu vào lẫn chi phí sản xuất tăng thêm nên nhà cung ứng tăng giá bán sản phẩm, dẫn đến các nhóm hàng hóa này lần lượt tăng 1,78%, 0,79% và 1,95% so cùng kỳ năm trước.

z6286640581076_3f6eade5066fbd6608e716668e12d22e.jpg
Người tiêu dùng địa phương chọn mua trái cây tươi trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Bên cạnh đó, chỉ số giá của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,77% so cùng kỳ năm ngoái do giá nhà thuê tăng, còn giá nhóm điện sinh hoạt tăng 7,27% do nhu cầu sử dụng điện tăng và ngành điện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Mặt khác với giá gas cũng tăng 1,99% so cùng kỳ năm 2024 do điều chỉnh giá gas trong nước tăng theo giá thế giới… Trong khi chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,52% so bình quân cùng kỳ, nguyên nhân do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh thực hiện theo Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đối với chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,47% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó các mặt hàng trang sức bằng vàng tăng gần 32% do ảnh hưởng giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới…

Đ.QUỐC