Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Đoàn kết ắt sẽ thành công

Chính trị - Ngày đăng : 05:18, 07/04/2025

“Đoàn kết là sức mạnh vô địch, điều đó đã trở thành chân lý, là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Có đoàn kết ắt sẽ thành công; đoàn kết là sức mạnh…” là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công.

Đặc biệt trong “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy, thực hiện sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện và thành lập cơ quan hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh đang được cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt trong thời điểm này, tinh thần đoàn kết phải đặt lên hàng đầu.

171020241148-z5938376967734_33ceabd355f3b5d689dfa18e48f04992.jpg
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

1. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công của cách mạng. Đây cũng chính là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong công tác tổ chức và cán bộ của Đảng, cũng như việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chính trị tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức Đảng và của toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Người, đoàn kết trước hết là đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, trong đó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là bí quyết thành công của sự tồn tại và phát triển bền vững của Đảng và của dân tộc Việt Nam ta. Người chỉ rõ: Đoàn kết là sự kết hợp được nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra theo khả năng mà mỗi người có thể hoàn thành. Mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và phấn đấu hết mình với ý nghĩ “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” chứ không được ỷ lại cho người khác.

Việt Nam của chúng ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang bản sắc riêng nhưng đều nằm trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Người đã gửi đến quốc dân đồng bào thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đoàn kết rộng rãi, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết thực sự. Thấy rõ vai trò quan trọng của đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo Bác, để giải phóng một dân tộc cũng như để xây dựng một chế độ mới đều cần huy động sức mạnh toàn dân. Đoàn kết toàn dân vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng và là mục tiêu đấu tranh trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vì vậy Người kêu gọi đồng bào các dân tộc không phân biệt Kinh hay Thổ, Mường hay Mán… phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà để cùng xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc. Với các tôn giáo, Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Người nhắn nhủ: đoàn kết thì thành công và đại đoàn kết thì sẽ đại thành công.

202410171043085662_dsc_5189.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X.

2. Học tập và làm theo tư tưởng của Bác về đoàn kết toàn dân tộc, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ: Trong giai đoạn cách mạng mới, mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục thấm nhuần sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận; đề cao trách nhiệm đối với hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tổng Bí thư đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn chân thành, cầu thị, lắng nghe, tận tâm, tận lực giải quyết công việc của dân. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, mọi tổ chức và cá nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt trong thời điểm này, khi Đảng ta cho chủ trương tiến hành “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy, thực hiện sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện và thành lập cơ quan hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh, đòi hỏi Đảng phải giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Kịp thời phát hiện và đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ. Để giữ vững khối đoàn kết thống nhất, đòi hỏi các cấp ủy và mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha hình thành… “Cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy chính là tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới – “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc. Hơn hết sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, thống nhất từ ý chí đến hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân là yếu tố tiên quyết cho thắng lợi cuối cùng.  

BBT