Giai đoạn mới đầy bất định trên chính trường Hàn Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 10:36, 07/04/2025
Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại nhiều câu hỏi đặt ra về những diễn biến tiếp theo trên chính trường Hàn Quốc, từ phản ứng của dư luận thế nào, việc tổ chức bầu cử sớm ra sao, ai sẽ lên nắm quyền tại Hàn Quốc, hay những khó khăn mà quốc gia này tiếp tục phải đối mặt…

Ba ứng cử viên đang tập trung sự chú ý của cử tri Hàn Quốc (từ trái sang phải) Lee Jae-myung, Kim Moon-soo và Han Dong-hoon. Ảnh: NHK
Căng thẳng tạm lắng
Việc phán quyết của Toà án Hiến pháp Hàn Quốc không phải là “liều thuốc chữa lành” đối với cơn khủng hoảng chính trị hiện nay của Hàn Quốc là điều được dự báo từ trước. Bởi vì, cho dù Tòa đưa ra phán quyết theo hướng nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối của 1 trong 2 phe. Do đó, sau khi Tòa phán quyết, chính trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ khó lường. Thế nhưng, cũng vẫn có những điểm tích cực nhất định. Mặc dù chưa đặt được dấu chấm hết cho khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc, nhưng phán quyết chấp thuận luận tội ông Yoon Suk Yeol do Tòa án Hiến pháp đưa ra hôm 4/4 được coi là khởi điểm của một thời kỳ mới, với cuộc bầu cử Tổng thống sẽ phải tiến hành trong vòng 60 ngày sau tuyên cáo.
Bên cạnh đó, còn là việc sự căng thẳng sau phán quyết không dẫn đến bạo lực bùng phát và không có những thiệt hại về người như lần luận tội nữ Tổng thống Park Geun Hye vào 8 năm trước. Sự đối lập và chia rẽ kéo dài suốt hơn 4 tháng qua tại Hàn Quốc ở cấp độ cao hơn nhiều so với năm 2017, khi bà Park bị luận tội. Nhưng năm 2017, bạo lực đã phát triển thành thảm họa với 4 người chết, 63 người bị thương.
Còn lần này, do một số yếu tố, trong đó có việc đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền chấp nhận phán quyết của Tòa và đưa ra lời tạ lỗi với cử tri, các cuộc biểu tình giữa hai phe đã tạm lắng mà không có xung đột bạo lực. Đây là điểm được coi là may mắn và quan trọng nhất trong quá trình giải quyết khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc, là yếu tố giúp giảm sự hỗn loạn của các cuộc chiến tranh giành quyền lực, đồng thời mở đường, cũng như góp phần rút ngắn thời gian cho việc bình ổn lại chính trường và bầu không khí xã hội của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự tạm lắng, chứ chưa phải là chấm dứt, thậm chí còn khiến giới quan sát lo ngại về một “sự yên lặng giữa hai cơn bão”. Bởi vì, vẫn còn rất nhiều chia rẽ và xung đột không thể giải tỏa giữa 2 phe, trong đó có cả “bóng đen ám ảnh” về một vụ luận tội khác đang “treo lơ lửng trên đầu” ông Choi Sang-mok – nhân vật giữ vị trí quyền Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian trước khi Tòa án bác bỏ Nghị quyết luận tội Thủ tướng Han Duck Soo.
Chia rẽ sâu sắc
Sự chia rẽ trên chính trường và trong xã hội Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng, mà được coi là yếu tố quyết định những diễn biến tiếp theo tại nước này. Sự chia rẽ trên chính trường vốn đã kéo dài suốt trong lịch sử chính trị hiến pháp của Hàn Quốc và lần này chỉ là một trong số nhiều lần bùng phát của một “núi lửa không bao giờ tắt” từ cuộc chiến quyền lực giữa đảng cầm quyền và phe đối lập. Trong khi phe đối lập, với vị thế đa số trong Quốc hội, đang quyết tâm giành bằng được vị trí của đảng cầm quyền, thì đảng cầm quyền, mặc dù bị “lép vế” do đang ở thế thiểu số, cũng tận lực để duy trì và tăng cường sức mạnh. “Thái quá bất cập”, những nỗ lực quá mức này, vô hình trung, đã tạo ra sự căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Việc phe đối lập liên tục đưa ra những dự thảo nghị quyết luận tội các nhân vật thuộc đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền là một ví dụ. Hiện nay, người dân và cử tri Hàn Quốc đã “quá mệt mỏi với việc luận tội hết người này đến người khác” của phe đối lập, khiến nhiều nghị sỹ phải lên tiếng phản đối. Trong khi đó, sự chia rẽ trong toàn bộ xã hội Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn. Sự chia rẽ này đang làm lung lay lòng tin của cả xã hội. Việc đa số cử tri Hàn Quốc mong muốn thay đổi đảng cầm quyền, nhưng không giành sự ủng hộ cho bất cứ phe phái nào là một minh chứng điển hình.
Theo kết quả các cuộc điều tra dư luận do các tổ chức và cơ quan báo chí có uy tín của Hàn Quốc liên tục tổ chức trong những tháng gần đây, có khoảng trên 51% người dân Hàn Quốc mong muốn thay đổi đảng cầm quyền. Nhưng mong muốn này lại hàm chứa một mâu thuẫn khó lý giải. Khi tỷ lệ phản đối đảng cầm quyền là 51%, thì tỷ lệ ủng hộ với phe đối lập cũng phải ở mức tương ứng. Nhưng hiện nay, tỷ lệ ủng hộ của người dân Hàn Quốc đối với cả đảng cầm quyền lẫn phe đối lập vẫn tiếp tục ở mức thấp với lần lượt là 36% và 40%. Đây là những con số biết nói, chỉ ra sự mất lòng tin và mất phương hướng của cử tri, đặc biệt là lớp trẻ Hàn Quốc.
Chưa có đột biến
Trong bối cảnh đó, bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tới đây có thành công hay không, có góp phần chấm dứt khủng hoảng hiện nay hay không, là một nghi vấn lớn và chưa có cơ sở cho câu trả lời. Bởi vì, sự mất lòng tin và phương hướng hiện nay của cử tri khiến cho không có bất cứ ứng cử viên nào giành được ưu thế trong thời điểm hiện tại. Theo kết quả các cuộc điều tra dư luận vừa được công bố, trong giai đoạn hiện tại, có 3 ứng cử viên đang thu hút sự chú ý của công luận là Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung, đương kim Bộ trưởng Lao động – Việc làm Kim Moon-soo và Chủ tịch tiền nhiệm của đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền Han Dong-hoon.
Tuy nhiên, cả 3 nhân vật này đều chưa có được sự ủng hộ vượt qua mốc 50%. Cụ thể, người có tỷ lệ ủng hộ cao nhất hiện nay là ông Lee Jae-myung, nhưng cũng chỉ giành được 34% ủng hộ. Hai ứng viên còn lại đều ở mức rất thấp với lần lượt là 9% và 5%. Một cuộc bầu cử với 3 ứng viên đều ít được ủng hộ. Không cần nhấn mạnh thêm, cũng có thể thấy kết quả khó đoán nhường nào, khi vẫn chưa có bất cứ nhân tố mới nào khả dĩ tạo được sự đột biến. Theo giới quan sát, bầu cử tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ phải tiến hành trong bối cảnh không có nhân vật nào tập trung được phiếu.
Và cho dù ứng cử viên của đảng cầm quyền hay phe đối lập đắc cử, cũng sẽ tạo ra một cục diện căng thẳng khác. Giới phân tích dự báo, nếu đảng cầm quyền thắng cử, sẽ là các cuộc luận tội khác, mà nhân vật đầu tiên sẽ là ông Choi Sang-mok – người giữ vị trí quyền Tổng thống Hàn Quốc trong thời gian trước khi Tòa án bác bỏ Nghị quyết luận tội Thủ tướng Han Duck Soo, mà tôi vừa nêu trên. Còn nếu phe đối lập đắc cử cũng chưa chắc lấy lại được lòng tin từ cử tri và người dân.
Do đó, kể cả sau khi Hàn Quốc tiến hành bầu cử thành công, chọn ra được Tổng thống mới, tình hình nước này cũng chưa thể ổn định ngay, và không ai dám đoán chắc vị Tổng thống mới này sẽ không bị luận tội vì một lý do nào đó chưa thể đoán định. Nhiều nhà phân tích chính trị của Hàn Quốc và nước ngoài đều có chung nhận định, “liều thuốc chữa lành” duy nhất đối với khủng hoảng chính trị Hàn Quốc hiện nay là một sự thay đổi tận gốc rễ, và sự thay đổi này phải bắt đầu từ Hiến pháp.