Phải đảm bảo xu hướng “Tăng lương, giảm giờ làm”
Chính trị - Ngày đăng : 10:36, 13/06/2019
Không nên tăng thêm giờ làm việc
Theo đại biểu Phúc, Bộ Luật Lao động là đạo luật có tác động sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và người lao động, nên thống nhất quan điểm sửa đổi Luật lần này là phải mang lại lợi ích tốt hơn cho người lao động, hướng tới đảm bảo sự hài hòa, ổn định trong các quan hệ lao động và bảo đảm tính khả thi cao.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo luật, đại biểu Phúc cho rằng: Hiện nay, qui định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới và cao hơn so với thời giờ làm việc bình thường của khu vực công (40 giờ/1 tuần); do đó đã tạo ra khoảng cách và sự chênh lệch lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Vì vậy, để đi cùng với xu hướng chung của các nước trên thế giới và để bảo đảm sức khỏe, giúp người lao động có thời gian tham gia các hoạt động xã hội và nâng cao nhận thức cho bản thân, đại biểu Phúc đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường từ không quá 48 giờ/tuần xuống không quá 44 giờ/tuần.
Về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, theo tờ trình của Chính phủ đề xuất mở rộng về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Đại biểu Phúc không đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm”.
Thực tế làm thêm giờ là hạn chế thời gian nghỉ ngơi của người lao động, hạn chế khả năng tái tạo sức lao động, hạn chế thời gian chăm sóc con cái, gia đình và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ …
Theo đại biểu Phúc làm thêm giờ, thu nhập người lao động có tăng nhưng phải đối diện với nhiều chi phí và rủi ro do kiệt sức, do bệnh tật, không có thời gian gần gũi và chăm sóc gia đình con cái …
Vì vậy, đề nghị khung thỏa thuận về làm thêm giờ vẫn giữ nguyên như qui định hiện hành là không quá 200 giờ/ năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ qui định và không quá 300 giờ/năm.
Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất hoạt động của một số ngành và tạo tính chủ động cho các doanh nghiệp, đề nghị bỏ qui định giờ làm thêm tối đa trong 1 ngày, trong 1 tháng như luật hiện hành đang qui định; đồng thời với đó yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, không ngừng đổi mới trang thiết bị và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng xuất lao động của doanh nghiệp mình.
Bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ là cần thiết
Về bổ sung 1 ngày nghỉ lễ, theo đại biểu Phúc có thêm một ngày nghỉ trong năm để nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động và có thêm thời gian chăm lo cho gia đình là cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với người lao động. Tuy nhiên, chọn ngày nào để bổ sung là ngày nghỉ lễ trong năm cần phải tính lại.
Không đồng tình lấy ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 hàng năm là ngày nghỉ lễ, theo đại biểu Phúc hoạt động tri ân người có công với cách mạng là hoạt động phải làm thường xuyên trong cả năm, kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm, chúng ta phải làm việc gấp 2, gấp 3 lần, phải tổ chức nhiều hơn các hoạt động tri ân để đền đáp sự hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng.
Vì vậy, để rút ngắn khoảng cách số ngày nghỉ lễ, tết trong năm của nước ta so với các quốc gia trên thế giới và khu vực và để đáp ứng yêu cầu có thêm ngày nghỉ cho người lao động trong năm, đại biểu Phúc đề nghị nên chọn ngày gia đình Việt Nam 28/6 là phù hợp hơn.
Về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đại biểu Phúc đề nghị giữ nguyên như qui định hiện hành, thời gian làm việc không qui định trong bộ luật lao động mà được qui định tại các văn bản hành chính. Bởi vì, nội dung này hiện nay đang được thực hiện ổn định và không gặp vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện, do vậy đề nghị không đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung vấn đề này trong luật.
Phúc Nguyễn