Tỉnh Bình Thuận đứng thứ 3 toàn quốc về Chỉ số PAPI năm 2024
Xã hội - Ngày đăng : 09:53, 16/04/2025

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Mục tiêu Chỉ số PAPI là góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, đảm bảo quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng. Chỉ số PAPI cấp tỉnh khảo sát đánh giá 63 tỉnh, thành ở chỉ số nội dung với 29 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.

Năm 2024, PAPI khảo sát và xếp loại các tỉnh, thành theo 4 Nhóm: Nhóm cao: Có 15 tỉnh, thành; Nhóm trung bình - Cao: Có 15 tỉnh, thành; Nhóm thấp - Trung bình: Có 15 tỉnh, thành; Nhóm thấp: Có 16 tỉnh, thành (có 02 tỉnh, thành khuyết dữ liệu).

Theo Báo cáo của PAPI, năm 2024 tỉnh Bình Thuận đạt 47,126 điểm và thuộc nhóm 3 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước (tỉnh đạt điểm cao nhất là tỉnh Quảng Ninh với 47,821 điểm, xếp vị trí thứ hai là tỉnh Tây Ninh đạt 47,345 điểm). Theo đó, trong 8 trục nội dung khảo sát, Bình Thuận có 6/8 trục nội dung thuộc Nhóm tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước; 2/8 trục nội dung thuộc nhóm trung bình - cao của cả nước. Cải thiện lớn nhất là nội dung đánh giá về “Công khai, minh bạch”, Bình Thuận là tỉnh có điểm số cao nhất cả nước; các nội dung đánh giá về “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công” Bình Thuận nhóm 5 tỉnh, thành có điểm số cao nhất cả nước.
Trước đó, năm 2023, chỉ số PAPI của tỉnh Bình Thuận đạt 42,47/80 điểm - xếp thứ 29/63 tỉnh, thành, thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao. Với điểm số và thứ bậc xếp hạng Chỉ số PAPI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2024 cho thấy bước tiến đáng khích lệ trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân. Để có được kết quả như trên, trong thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, nâng cao sự hài lòng của người dân, cải thiện Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh.

Được biết, báo cáo PAPI năm 2024 lần thứ 16 ghi nhận ý kiến của gần 19 nghìn người dân tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo cung cấp các phân tích chuyên sâu về nhiều khía cạnh trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công, từ góc nhìn của người dân. Kết quả cho thấy, mức độ hài lòng của người dân với hiệu quả điều hành của chính quyền trong năm 2024 có xu hướng cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, chỉ số như công khai - minh bạch trong ra quyết định, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, quản trị môi trường và quản trị điện tử được ghi nhận có tiến bộ. Tuy nhiên, trên bình diện cả nước, chỉ 3/8 lĩnh vực quản trị và hành chính công được người dân đánh giá ở mức “khá”, bao gồm: kiểm soát tham nhũng, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ hành chính - công.
Báo cáo cũng đã chỉ ra sự chênh lệch đáng kể trong mức độ hài lòng giữa các nhóm dân cư. Cụ thể, phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người tạm trú thường có đánh giá thấp hơn so với nam giới, người Kinh hoặc người có hộ khẩu thường trú, nhất là trong các chỉ số liên quan đến sự tham gia và minh bạch tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa đạt điểm thấp hơn rõ rệt so với vùng đồng bằng, đặc biệt trong lĩnh vực quản trị điện tử. Điều này cho thấy khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân cư vẫn là thách thức lớn trong tiến trình hiện đại hóa hành chính công.