Tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn và thuốc trị bệnh giả
Pháp luật - Ngày đăng : 05:10, 22/04/2025
Một số vụ việc nổi cộm gần đây
Vụ hàng tấn thực phẩm bẩn trong các cơ sở sản xuất hồi tháng 1/2025, cơ quan quản lý thị trường phát hiện 6 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc và quá hạn sử dụng được tập kết tại một kho ở huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), gây lo ngại về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thời điểm trước tết, đã có hơn 10 tấn bánh kẹo kém chất lượng, không có giấy tờ, được bán tại các chợ dân sinh, một số còn có hóa chất độc hại nên dễ gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cơ quan chức năng đã phát hiện một đối tượng tại Hà Nội buôn bán gần 3 tấn thực phẩm đông lạnh với phần lớn không có nhãn mác rõ ràng và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Trước đó, trong một cuộc kiểm tra tại huyện Đan Phượng, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 10.000 sản phẩm thực phẩm đông lạnh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, bao gồm thịt lợn và sườn bò, trong đó nhiều sản phẩm đã bốc mùi hôi thối. Kiểm tra kho hàng tại Tây Hồ, Hà Nội, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 12.000 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da... gắn mác nhãn hiệu nước ngoài nhưng không phải sản phẩm chính hãng. Những sản phẩm này được bán với giá cao nhưng thực chất chỉ là hàng giả.
Và thời sự nhất hiện nay, là vụ sản xuất, buôn bán sữa giả trị giá 500 tỷ đồng với quy mô lớn vừa bị Bộ Công an triệt phá liên quan đến hai công ty là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đường dây này đã sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa bột giả, nhắm vào các đối tượng dễ bị tổn thương như người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Cũng mới đây, một vụ việc liên quan đến một đường dây sản xuất và buôn bán thuốc chữa bệnh giả quy mô lớn vừa bị triệt phá tại Thanh Hóa. Các đối tượng đã sử dụng các nguyên liệu như tinh bột, chất kết dính, phụ gia y tế, than tre và chất tạo màu để sản xuất thuốc giả, sau đó đóng gói và bán ra thị trường. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các loại thuốc đông y giả chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, trong khi thuốc tây y giả không có hoạt chất kháng sinh như trên bao bì. Đường dây hoạt động trên phạm vi toàn quốc, thu giữ 21 loại thuốc giả, chủ yếu là tân dược và thuốc chữa xương khớp, với số lượng lên đến hàng chục nghìn hộp. Ước tính, đường dây này đã thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.

Những tác hại không chỉ ở thì hiện tại
Hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực thuốc chữa bệnh và thực phẩm.
Thuốc giả không có tác dụng chữa bệnh, làm bệnh nặng hơn, gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm hoặc gây chết người. Thuốc giả còn có thể chứa các thành phần độc hại. Thực phẩm bẩn gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư và các bệnh mãn tính khác. Thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh còn chứa các chất cấm, hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Thiệt hại về kinh tế, làm người tiêu dùng mất tiền oan, mua phải sản phẩm không có giá trị sử dụng, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe. Đối với doanh nghiệp, gây thiệt hại về doanh thu, mất uy tín, ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính. Đối với nhà nước gây thất thu thuế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, tạo gánh nặng cho ngành y tế trong việc khám chữa bệnh cho người dân. Đối với xã hội, gây suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến người dân mất niềm tin vào các sản phẩm, dịch vụ, cũng như các cơ quan quản lý.
Làm gia tăng các tệ nạn xã hội vì hàng giả, hàng kém chất lượng thường liên quan đến các hoạt động buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền, gây mất trật tự xã hội. Gây ô nhiễm môi trường, bởi quá trình sản xuất hàng giả thường không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Cần giải pháp mạnh và đồng bộ
Việc ngăn chặn và xử lý hàng giả, hàng gian, hàng bẩn, hàng kém chất lượng đòi hỏi giải pháp mạnh và sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Sau đây là một số giải pháp được các cơ quan hữu quan và chuyên gia đưa ra:
Hoàn thiện quy định pháp lý, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chống hàng giả, hàng nhái để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong việc thực thi. Nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái để tạo tính răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Thực hiện các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, phân phối để phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Cần xây dựng các cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thu thập, chia sẻ thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái.
Ứng dụng công nghệ chống hàng giả với các giải pháp công nghệ cao như tem chống giả, mã vạch, QR code, blockchain để theo dõi và xác thực nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật và hàng giả. Chuyển đổi số bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu về sản phẩm chính hãng, giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng có dễ dàng truy xuất thông tin về sản phẩm.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người tiêu dùng. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Tăng cường phối hợp liên ngành, sự hợp tác giữa các cơ quan như ngành Công thương, Y tế, Công an, Hải quan, Biên phòng để đồng bộ hóa các hoạt động kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, hàng nhái. Xây dựng, tạo lập mạng lưới thông tin giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật để kịp thời phản ánh và xử lý các hành vi vi phạm.
Hiện nay, chính quyền và các cơ quan chức năng đang nỗ lực kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường; chú ý quản lý sản phẩm lĩnh vực y tế và thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Những giải pháp này cần được thực hiện một cách đồng bộ và liên tục để giảm thiểu tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng bẩn trên thị trường hiện nay.