Sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp bán hàng dễ dàng hơn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 21/04/2025

Kinh doanh trực tuyến đã và đang trở thành xu hướng, và là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với việc kinh doanh hiện nay. Chính vì thế mà hiện nay nhiều doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đặc biệt quan tâm đến việc bán hàng trực tuyến để tăng năng suất và doanh thu bán hàng.
san.jpg
Trang web Sàn thương mại điện tử Bình Thuận.

Ứng dụng sàn thương mại điện tử trong kinh doanh

Một ứng dụng của thương mại điện tử (TMĐT) là các hoạt động mua bán trên mạng đã thúc đẩy nhu cầu mở rộng các hình thức hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ giao hàng, sử dụng chữ ký số, tiền điện tử, cổ phiếu mạng, an toàn dữ liệu, bảo mật dữ liệu... của các doanh nghiệp. Trên thực tế, ngay cả khi các doanh nghiệp chưa có điều kiện để tham gia vào hoạt động kinh doanh trực tuyến, các doanh nghiệp cũng vẫn thường tiến hành nhiều hình thức tự giới thiệu về mình trên mạng như một bước chuẩn bị ban đầu cho việc chính thức gia nhập vào đội ngũ kinh doanh trên mạng của mình. Đặc biệt trong thời điểm TMĐT phát triển mạnh mẽ và xu hướng sử dụng AI gia tăng, khi nắm được tình trạng thực tế và xu hướng sắp tới, doanh nghiệp và người bán lẻ đã chủ động đầu tư, thay đổi cho phù hợp giúp đẩy nhanh hoạt động kinh doanh và đạt được kết quả mong muốn. Đặc biệt là hiện nay có rất nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức các chương trình bán hàng trực tuyến (livestream) nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trong vùng. Tháng 10/2024, tỉnh Bình Định tổ chức chương trình bán hàng trực tuyến nhằm thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Theo đó, Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với MCN Live Channel tổ chức chương trình bán hàng trực tuyến trên nền tảng Shopee, TikTok dành cho các doanh nghiệp thuộc các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Mục đích nhằm hỗ trợ kết nối doanh nghiệp thuộc tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với thị trường trực tuyến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm mang tính thương hiệu đặc trưng của từng địa phương, vùng miền trên nền tảng mạng xã hội góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt. Bên cạnh đó là để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh trên các kênh bán hàng trực tuyến. Mới đây, Sở Công thương còn tổ chức hội nghị để giới thiệu về các sàn TMĐT nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cách đăng ký tham gia kinh doanh trên các sàn nhằm khai thác và phát huy hiệu quả những lợi thế của TMĐT hiện nay. Đây cũng là dịp để giới thiệu Sàn TMĐT 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp và đơn vị liên quan về các tính năng, cách đăng ký tham gia kinh doanh, mua, bán trên các sàn, trong đó có Sàn Việt. Hướng dẫn ký kết hợp đồng và các chính sách vận chuyển của Viettel Post - Chi nhánh Bình Thuận cũng như một số nội dung vận hành cho doanh nghiệp, cơ sở khi tham gia sàn. Được biết, Sàn TMĐT 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng ra đời từ năm 2021 hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của các địa phương. Sau đó, tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án nâng cấp Sàn TMĐT ngành Công Thương, phối hợp thực hiện kết nối với Sàn Việt nhằm nâng cao hiệu quả khai thác trong thời gian tới.

Mang lại sự tiện lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Khi các sàn TMĐT ra đời, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TMĐT đã trở thành xu hướng tất yếu cho mọi doanh nghiệp để mở rộng thị trường và tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. Không chỉ mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, lợi ích của TMĐT còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tiếp cận khách hàng toàn cầu và xây dựng thương hiệu trực tuyến mạnh mẽ. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thể tiếp cận hàng triệu người dùng trên toàn quốc và quốc tế, không bị giới hạn bởi địa lý. Các sàn TMĐT với lượng truy cập lớn hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay khách hàng mà không cần mở thêm cửa hàng. Đồng thời còn tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, khả năng bán hàng không bị giới hạn bởi giờ mở cửa như các cửa hàng truyền thống. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể mua sắm bất cứ lúc nào, kể cả ngoài giờ làm việc hoặc vào những ngày lễ. Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian này để đẩy mạnh doanh số trong các chương trình khuyến mãi lớn hoặc flash sale trên các sàn TMĐT. Giảm chi phí cơ sở vật chất bởi vì khi bán hàng trên các sàn TMĐT, doanh nghiệp không cần phải đầu tư vào mặt bằng, nhân viên bán hàng, hay kho bãi giúp tiết kiệm đáng kể các chi phí cố định, vốn thường chiếm phần lớn ngân sách của doanh nghiệp bán lẻ truyền thống. Thay vì phải quản lý cửa hàng vật lý, bạn chỉ cần tập trung vào xây dựng gian hàng online, tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và quảng bá sản phẩm để bán hàng hiệu quả. Doanh nghiệp cũng dễ dàng tìm kiếm và kết nối với các nhà cung cấp hoặc đối tác mới, không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Nhờ vào mạng lưới rộng lớn của các sàn TMĐT, doanh nghiệp có thể khám phá và xây dựng mối quan hệ với những nhà cung cấp tiềm năng, từ đó mở rộng các lựa chọn sản phẩm, tối ưu hóa nguồn cung và giảm thiểu chi phí nhập hàng…

Phan Liên