Sức mạnh của cộng đồng trong bảo vệ môi trường

Đời sống - Ngày đăng : 05:21, 23/04/2025

Từ những chiếc ly nhựa bị ném xuống sông Cà Ty, đến việc đào hố chôn rác trên bãi biển Mũi Né... tất cả đều được người dân và du khách quay lại, chia sẻ trên mạng xã hội. Những đoạn clip ngắn ấy không chỉ là bằng chứng xử phạt, đó còn là lời cảnh tỉnh về ý thức, trách nhiệm và văn hóa ứng xử với môi trường sống.

Khi người dân lên tiếng

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, TP. Phan Thiết đã ghi nhận 2 vụ vi phạm môi trường gây bức xúc dư luận. Đầu tiên là vụ việc ngày 24/3/2025, một phụ nữ bán nước tại hoa viên ven sông Cà Ty (phường Lạc Đạo) bị quay lại cảnh vứt toàn bộ ly nhựa thẳng xuống sông sau khi dọn hàng. Clip lan truyền nhanh chóng, ngay sau đó UBND phường đã xác minh, xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Người vi phạm cũng cam kết không tái phạm.

Chưa đầy 2 tuần sau, ngày 4/4/2025, một nhân viên khu du lịch tại bãi biển Suối Nước (phường Mũi Né) bị một du khách nước ngoài ghi hình khi đang đào hố chôn rác thải sinh hoạt ngay trên bãi cát. Đoạn clip tiếp tục gây “bão” mạng xã hội, buộc cơ quan chức năng vào cuộc và xử phạt 3,5 triệu đồng. Trước đó, vào tháng 10/2024, cộng đồng mạng cũng từng phẫn nộ khi chứng kiến nhân viên quán cà phê Jeju gần chợ Thạch Long (Mũi Né) ngang nhiên ném ly nhựa xuống biển ngay trước mặt du khách. Sau đó, chủ quán đã công khai xin lỗi và cho tạm ngưng hoạt động 1 ngày để khắc phục hậu quả.

Dù mức phạt không lớn, nhưng những vụ việc này lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, bởi người dân không chỉ phản ánh mà còn hành động bằng cách quay clip, đăng tải trên mạng xã hội và kiên trì theo dõi đến cùng để sự việc được xử lý công khai, minh bạch.

Xử phạt người phụ nữ vứt ly nhựa xuống sông Cà Ty.

Không thể “khoán trắng” trách nhiệm

Từ những chiếc ly nhựa tưởng chừng vô hại, những túi rác bị lấp dưới cát, câu hỏi đặt ra là: Tại sao hành vi thiếu ý thức lại xảy ra một cách công khai, ngang nhiên giữa lòng thành phố du lịch? Rõ ràng, một bộ phận người dân và người lao động tại các cơ sở kinh doanh vẫn xem nhẹ trách nhiệm bảo vệ môi trường, coi đó là “chuyện của ai khác”, miễn sao “sạch phần mình”.

Trong khi đó, hình ảnh du lịch không thể được xây dựng bằng các khẩu hiệu sáo rỗng. Chỉ một hành vi sai có thể khiến nỗ lực quảng bá điểm đến thân thiện, văn minh bị ảnh hưởng. Phan Thiết đang chuyển mình nỗ lực để trở thành một đô thị du lịch xanh - sạch - đẹp, nhưng hành trình ấy sẽ gặp trở ngại nếu những vi phạm về môi trường vẫn tiếp diễn, hoặc chỉ dừng lại ở việc “phạt cho có” và không được xử lý triệt để.

Không ít vụ việc xảy ra do nhân viên quán cà phê, khu du lịch xả rác bừa bãi. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý, thiếu sự giám sát từ chính các chủ cơ sở. Cơ sở kinh doanh không thể “khoán trắng” cho nhân viên mà cần xem bảo vệ môi trường là một phần trong sản phẩm du lịch họ cung cấp.

Nhiều đợt ra quân bảo vệ môi trường. (ảnh tư liệu)

Sức mạnh cộng đồng

Chính quyền TP. Phan Thiết thời gian qua cũng đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ từ cuộc vận động “Người dân Phan Thiết không xả rác ra đường phố, khu vực công cộng”, đến phong trào trồng cây xanh, giữ gìn cảnh quan đô thị. Đặc biệt, các hoạt động vệ sinh, thu gom rác thải 2 bên bờ và lòng sông Cà Ty được tổ chức thường xuyên. Dòng sông Cà Ty giữa lòng thành phố thường xuyên được nạo vét, chỉnh trang để giữ gìn vẻ đẹp; hệ thống kè sông cũng được cải tạo nâng cấp để tạo điểm nhấn diện mạo đô thị du lịch. Thế nhưng, điều đáng quý hơn cả vẫn là tinh thần chủ động, lên tiếng vào cuộc từ cộng đồng. Những “camera cộng đồng” từ điện thoại của người dân, du khách đang dần trở thành công cụ giám sát hiệu quả, phản ánh tức thì những hành vi thiếu ý thức, tiếp sức mạnh mẽ cho nỗ lực của chính quyền.

Nhiều cách làm địa phương giữ gìn vệ sinh môi trường.

Trong các vụ việc nêu trên, phản ứng nhanh của chính quyền địa phương là điều đáng ghi nhận. Các cá nhân vi phạm đều bị xử phạt kịp thời, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, để ngăn chặn từ gốc, đây là lúc cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng. Phan Thiết có thể nghiên cứu phát động phong trào “Người dân giám sát môi trường”, khuyến khích quay clip, phản ánh, gửi đến cơ quan chức năng. Khi người dân được tạo điều kiện lên tiếng, môi trường sẽ có thêm hàng ngàn “camera cộng đồng” giám sát ấy còn hiệu quả hơn cả những đợt kiểm tra hành chính định kỳ. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, giám sát môi trường, lắp đặt thêm hệ thống camera công cộng, bố trí hợp lý các điểm thu gom rác, nhất là ở khu vực đông dân cư và các bãi biển du lịch...

Sức mạnh của cộng đồng trong bảo vệ môi trường từ những chiếc “camera cộng đồng” như chiếc “gương soi” hành vi thiếu ý thức góp phần làm sạch thành phố. Bởi môi trường không thể chỉ được gìn giữ trong mắt du khách, mà phải sạch từ chính ý thức của từng người dân địa phương. Một thành phố đẹp không chỉ từ biển xanh, cát trắng… mà còn đến từ sự tử tế của chúng ta với thiên nhiên trong từng hành động nhỏ.

Thanh Duyên