Một thời để nhớ: Ngày ấy, Phan Thiết…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:26, 25/04/2025

Tôi xa Phan Thiết đã lâu, nghĩa là xa về địa danh hành chính kể từ ngày quận Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận được tách ra để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Bình Tuy (1957), và tôi thường trú tại Bình Tuy, nhưng căn cước công dân vẫn là dân Bình Thuận.

Tôi sinh ra và lớn lên ở rừng Bình Thuận của thời kháng chiến chống Pháp. Và ngày xưa, ít người biết Bình Thuận, nhưng nói đến Phan Thiết là họ biết ngay, vì Phan Thiết là thủ phủ của nước mắm, phân phối khắp miền Nam.

phan-thiet.jpg

Tôi nhớ, khoảng năm 49 - 50, lúc chiến tranh chưa kết thúc, làng tôi là một khu rừng gộp (có nơi gọi là khộp) thuộc xã Tân Thành, quận Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây có những địa danh nổi tiếng đánh Tây, như: Bàu Nổ, lán Găng, lán Le, bưng Cò Ke, Cây Thị…

Những năm tháng tản cư chạy giặc, dân làng tôi phá rừng làm rẫy, trồng bắp, khoai, lúa… Nhưng thức ăn hằng ngày chỉ là bắp, khoai, đậu… độn gạo, còn một bữa ăn nguyên chất gạo chỉ có ngày giỗ, ngày tết mới có! Mùa nắng thì canh chừng “không có tàu thủy và thằng Tây” thì ra biển đánh bắt cá. Tôi nhớ biển thời đó sao nhiều cá thế! Chỉ cần một giàn lưới lội, lưới gang… lội ra nước đến ngang lưng quần kéo vào một giác là có cá ăn (có lẽ vì lội nước để kéo lưới, nên nó được đặt tên là lưới lội chăng?).

Năm 1952, lần đầu tiên tôi được tháp tùng một đoàn người nam, nữ, cắt rừng từ Tân Thành đi bộ ra Phan Thiết lúc gà gáy canh đầu tiên, mọi người thức dậy, tay xách nách mang, gồng gánh những thứ như cá khô, bắp đậu, khoai sắn… băng rừng cứ hướng Phan Thiết mà đi. Hình như lúc này tôi thấy không ai dùng tiền để mua bán, chỉ đem thứ mình có, đổi lấy thứ mình cần. Tôi quảy một mớ cá khô (bấy giờ tôi tầm 8,9 tuổi, chỉ thích chăn trâu). Tôi háo hức đi Phan Thiết, vì nghe nói ở đó lấy nước làm thành cục đá, và cây cà rem, ăn vào nó mát cả người!

Năm 1953, tôi đi Phan Thiết lần thứ hai. Lần đi này tôi không mang theo gì, chỉ đi theo cho có bạn với má tôi. Má tôi gánh một gánh khá nặng, xuất phát từ Cây Găng, Kê Gà, men theo biển mà đi Phan Thiết. Má tôi gánh như chạy, tôi lúp xúp chạy theo, má tôi nói, gánh nặng, phải đi thật nhanh nó mới nhẹ, con ráng theo má. Đi cho đến hừng đông thì Camp Edépic hiện ra trên một động cát có doi đất chòi ra phía biển. Ngày đó, người ta bỏ chữ Edépic, mà chỉ đọc đơn giản là Căn.

Trở lại chuyện má tôi và tôi men theo bờ biển đi Phan Thiết. Khi qua khỏi đèo Tum Lum, Căn hiện ra trước mặt, má tôi ngồi nghỉ mệt và dặn tôi rằng: Má con mình cứ đi thong thả sát mé nước biển, để tụi Tây nó tưởng mình đi mua cá và hôi cá, đặc biệt, con không được nhìn lên Căn.

Qua khỏi Căn, má hối tôi chạy, má thều thào, thoát nạn rồi con ơi! Khi đến Phan Thiết, lần này gây ấn tượng với tôi là những cái tĩn đựng nước mắm chất ngay hàng thẳng lối trước khi vào Phan Thiết, mà tôi mãi nhìn vì lạ lẫm và đẹp mắt, suýt chút nữa là tôi lạc mất má tôi!

Chuyến trở về lại nguy hiểm hơn chuyến đi. Tôi không còn “đi với má cho có bạn” mà vòng quanh lưng quần một ruột tượng (tôi mới biết má tôi dẫn tôi theo cũng vì cái ruột tượng này, ngày kháng chiến, ruột tượng là vật bất ly thân). Tôi ước chừng cái ruột tượng mang trong người nặng vài ba ký. Má không cho biết là thứ gì (về đến nhà, tôi mới biết đó là những thỏi chì cắt ra nẹp vào “dây triên” lưới cá dằn xuống biển). Thời đó, chì là một mặt hàng rất quan trọng, vì chì dùng để đúc “hột nổ” viên đạn, nếu để thằng Tây bắt được thì chết.

Đợi đêm xuống, má tôi lần ra mé biển trở về theo đường cũ, đôi gánh má tôi gánh cũng quằn vai, còn tôi hơi khó đi vì cái ruột tượng. Má tôi nói, con ráng qua khỏi Căn, má mở ra cho con đeo trên vai. Tôi hỏi má tôi, gánh gì mà nặng dữ vậy?

Má im lặng… rồi má nói, lần đi lần khó, biết có còn đi được nữa hay không? Quả thật từ ngày đó cho đến ngày đình chiến 1954, má tôi không còn đi bộ ra Phan Thiết nữa.

Viết đến đây, tôi sực nhớ câu ca dao nói về những chàng trai Phan Thiết, dẫu có thương đến mấy những cô nàng ở xã Tân Thành cũng không dám theo, vì sợ truông Khe Cả và đèo Tum Lum:

- Thương em anh cũng muốn theo

Sợ truông Khe Cả, sợ đèo Tum Lum.

Ngày ấy, má tôi đã từng đi qua truông Khe Cả và đèo Tum Lum. Thế mới biết:

- Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi

Mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

TRẦN HŨU NGƯ