Đồng bào dân tộc thiểu số thăm khu di tích căn cứ Tỉnh ủy

Xã hội - Ngày đăng : 05:42, 30/04/2025

“Đồng bào đi đâu đông vậy? Đi thăm... Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đó. Đi cho biết, vớ!”. K’ Thị Bé, người dân tộc K’ho, ngoài ba mươi tuổi, vẻ hân hoan trên nét mặt, mỉm cười, nói.

Hôm ấy, ngày 10/3/2023, 10 ngày sau ngày Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (KDTCCTU) xây xong. Con đường nhựa 5 mét ngang từ ngã ba thôn 3, xã Đông Giang dẫn vào khu di tích trong rừng Sa Lôn, núi Sa Lôn cách đó 12 cây số về hướng Đông - Nam của xã, nhộn nhịp người đi lại. Họ là người K’ho, Rắc Lây của xã Đông Giang và La Dạ gần đó, Tiếng cười nói râm ran và cả tiếng xe máy nổ ồn ả kéo dài. Nó khác với sự vắng vẻ, đìu hiu thường ngày của con đường, khi vài người đàn ông K’ho, chà gạt vát vai (loại công cụ chặt cây làm bằng gốc tre già uốn cong qua lửa, đầu gắn dao phát), vai mang gùi, lầm lũi đi trên đường rồi biến mất sau những lùm cây rừng dày lá không hề lưu lại một vết tích những ngày trước đó.

dong-bao.jpg.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số thăm và vui chơi ở Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy.

Tháng 4 năm nay, trong chuyến đi về nguồn, tôi trở lại KDT CCTU; trở lại rừng Sa Lôn. Những ngày này, ảnh hưởng thời tiết Nam Tây nguyên, Sa Lôn mưa về đêm và sáng sớm, ban ngày là biển trời trong veo, đầy nắng. Nắng vàng tươi làm bừng lên sắc đỏ đến si mê, thảng thốt, pha chút bất ngờ của những cây hoa pơ lang đột ngột xuất hiện giữa màu xanh đại ngàn, khi xe lượn qua một dốc cua, một quảng rừng và ta bất ngờ trông thấy. Đường vào rừng như một sợi chỉ, mỗi lúc một mở ra sự u tịch của thiên nhiên; gợi cho con người về một thế giới huyền bí, sâu thẳm, và những huyền tích về những con người làm cách mạng, chịu nhiều gian lao khổ cực của thời chống Mỹ hơn năm mươi năm trước. Và giữa lúc ấy, tiếng chim “bắt cô trói cột” vang lảnh lót giữa những khoảng trống của rừng như những nốt nhạc trẩm xao xuyến, gợi lên trong lòng khách đi đường sự cảm nhận: Thiên nhiên ở đây đang phục hồi mạnh mẽ, sau những thiệt hại về tài nguyên rừng do nhiều lý do trong một số năm. Cũng trên con đường vào rừng những ngày tháng tư này, có rất nhiều xe các loại đi lại. Đa phần là ô tô chở theo nhiều người, bảng số thuộc nhiều tỉnh, thành. Anh Võ Cáp – Trưởng Ban Quản lý KDT CCBT, đón những người khách quen, những người muốn nhờ anh thuyết minh, tại Nhà Tưởng niệm. Chuyện trở nên thân mật, khi anh nói: “Các anh (chị) cần gì cứ trao đổi. Làm được gì cho các anh, chị, chúng tôi hết sức!”. Tiếp sau câu nói là nụ cười thân tình, khiến khách cảm thấy chuyện họ nhờ thuyết minh kỹ, chuyện chụp ảnh lưu niệm với Ban quản lý trở nên dễ dàng.

Theo anh Cáp, năm 2024, KDTCCTU đã bổ sung một số hiện vật, hình ảnh; gia cố đai trưng bày tại Nhà Tưởng niệm. Thông qua nhiều nguồn, KDTCCTU bổ sung 20 hiện vật vốn là vật kỷ niệm   của cán bộ, chiến sĩ cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. Như chiếc Radio và đồng hồ Seiko của đồng chí Lê Ngọc Liên (xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh), nguyên cảnh vệ cơ quan Tỉnh ủy 1961-1975; chiếc võng dù, bi đông đựng nước, ca US và chiếc muỗng inox của bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận từ 1968 -1975… Năm 2023, KDTCCTU đón trên 31.000 lượt khách, năm 2024 trên 17.640 lượt khách. Với số đông đồng bào, KDTCCTU không chỉ là nơi về nguồn mà còn là công viên rừng. Ở đây không khí trong lành, tiếng suối chảy, chim kêu suốt ngày. Thỉnh thoảng trong khu rừng trúc không xa dưới kia, bầy chim phượng hoàng đất với nhiều con xuất hiện, cánh xòe rộng bay qua, tiếng vỗ cánh của chúng làm xao động bầu không khí vốn tĩch mịch của một góc nhỏ rừng. Mà đâu chỉ thế, trong khu rừng gần đây, mùa thanh trà rừng vào các tháng tư, tháng năm và mùa trái gùi vàng tươi, cũng làm bọn trẻ của đồng bào say, muốn một cuộc hẹn hò. Chúng đòi mẹ cho vô khu di tích bằng được, từ đó rủ nhau đi hái trái. Với đồng bào các dân tộc, cuộc sống gắn bó với rừng, cây xanh, tiếng chim thú hoang dã… điều đó thật cần thiết và hấp dẫn họ. Cũng ở đây, lắng lòng lại, mọi người sẽ gặp lại người xưa, dáng cha ông mình lừng lững qua các hiện vật là những căn hầm, bếp Hoàng Cầm, chiến hào chống xâm nhập in bóng thời gian…

Tuần trước, tôi gặp tại đây, người mẹ K’ho kể cho đứa con năm tuổi nghe về KDTCCTU bằng tiếng dân tộc mình và đứa bé tỏ ra thích thú”. “Thích thật!”, tôi buột miệng. Đúng lúc đó, tôi nhận ra K’ Thị Bé, từng hỏi chuyện năm 2023 đi trong tốp các cô gái. Cô này tròn mắt, thảng thốt: “Lại gặp nhau rồi vớ!”. Rồi cô giải thích: “Em đưa mấy em họ ở Mê Pu, huyện Đức Linh thăm khu di tích. Các em muốn biết đồng bào K’ho, Rắc lây… theo bộ đội Cụ Hồ ngày trước ra sao”. Thay vì để anh Võ Cáp trả lời, tôi nói nhanh: “Đồng bào các dân tộc thủy chung với cách mạng. Giúp đỡ cách mạng rất nhiều”. Nụ cười người phụ nữ K’ho bỗng chốc trở nên đẹp lạ lùng…!

Hà Thanh Tú