Tìm lại địa danh vùng đất tây - nam Bình Thuận

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:18, 02/05/2025

Huyện Hàm Tân được thành lập vào năm 1916 thuộc tỉnh Bình Thuận. Trước đó, từ địa bàn Hàm Tân thuộc tổng Đức Thắng, huyện Tuy Định rồi Tuy Lý, thuộc phủ Hàm Thuận. La Gi/Hàm Tân và cả sau này khi trở thành trung tâm hành chánh tỉnh Bình Tuy (1956 - 1976).

Từ Tuy Lý xưa đến các địa danh thời mở đất

Địa danh La Di/La Gi xuất hiện từ giữa thế kỷ 19, cách nay khoảng gần 200 năm. Theo sách Đại Nam nhất thống chí (tập 12), năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đã lập huyện Tuy Định thuộc phủ Hàm Thuận. Đến năm Tự Đức thứ 7 (1854) đổi Tuy Định làm huyện Tuy Lý thuộc về phủ thống hạt. Năm thứ 13 (1901) trích 2 tổng Cam Thang và Ngân Chử cho thuộc huyện Tánh Linh. Vùng đất này liền kề với vùng cao hoang vu ở phía tây - bắc tỉnh hạt Bình Thuận, ban đầu do huyện Tuy Phong kiêm hạt - năm Thành Thái 13 (1901) mới đặt Di Dinh Thổ phủ (địa danh Di Linh hay Di Dinh/ Djiring) với 20 sách người Thượng du, lại lập địa lý Di Linh do Công sứ Bình Thuận cai quản. Tỉnh Đồng Nai Thượng thành lập năm 1899 đến năm 1903 thì bãi bỏ, Di Linh chuyển thành địa lý hành chính vẫn thuộc về Bình Thuận. Đến năm 1920, xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, tái lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh, khi đó Đà Lạt chưa có xây dựng nào để trở thành thành phố nghỉ mát.

bn-d-bt-thi-phap(1).jpg
Bản đồ Bình Thuận thời Pháp.

Đến năm 1910, tổ chức hành chính tỉnh Bình Thuận chia là 3 phủ Hàm Thuận, Phan Lý (Chăm), Di Linh và 5 huyện Hòa Đa (Kinh), Tuy Phong, Tuy Lý (Chăm), Tánh Linh, Túc Trang/Trưng. Từ năm 1910, tổ chức hành chính phủ và huyện ngang cấp nhau. Huyện Hàm Tân thành lập năm 1916 trích ra từ phần đất lập tỉnh Lâm Viên và Bình Thuận có 4 phủ - huyện Hàm Thuận, Tuy Phong, Hòa Đa và Hàm Tân (dụ số của Duy Tân do Toàn quyền Đông Dương chuẩn y ngày 3/5/1916 - thành lập Trung kỳ, tách một tỉnh là Lâm Viên (trích Những thay đổi về địa lý hành chính Trung kỳ - Nghiên cứu Lịch sử số 143-1972).

Dưới chế độ VNCH, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143 ngày 26/10/1956 thành lập tỉnh Bình Tuy, gồm 3 quận Hàm Tân, Hoài Đức, Tánh Linh của 2 quận Hàm Thuận (Bình Thuận) và một phần đất 2 tỉnh Long Khánh, Lâm Đồng. Vị trí địa lý tỉnh Bình Tuy thuộc miền cực Nam Trung bộ và miền cực Bắc của Nam bộ, liền kề vùng cực đông của vùng Cao nguyên.

Bình Tuy - La Gi - Hàm Tân

Liên quan địa danh Bình Tuy, từ năm Minh Mạng 19 (1838), đã xuất hiện tên tổng Bình Tuy. Theo sách Nam kỳ địa hạt Tổng Thôn… (1892) do Nguyễn Đình Tư dịch và chú thích ở phần Hạt Biên Hòa ghi tổng Bình Tuy có 7 thôn và tổng lân cận Phước Thành, trong đó có một số thôn mang địa danh trên đất Đức Linh hiện nay (Gia An, Trà Tân, Dõ Đắt/Võ Đắt và gần đó Định Quan/Quán, Túc Trưng/ Trang…). Trên bản đồ tỉnh Bình Thuận - phần phía Đông (Phan Rang, Phan Thiết, Di Linh, Đà Lạt) vẽ từ đầu thế kỷ này, trích trong Annuaire général de l’Indochine Hanoi, 1910 - trg.523. Lịch sử vùng đất phía tây - nam tỉnh Bình Thuận giáp ranh tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, còn có những phần nằm sâu vào địa bàn tỉnh Long Khánh, tách từ tỉnh Biên Hòa (cùng năm thành lập với các tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy). Ở đây đã tạo nên một địa danh căn cứ Giao Loan/ Rừng Lá dưới triều Nguyễn 1802 - 1861). Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Bình Tuy thuộc lãnh thổ Quân đoàn III - Vùng 3 chiến thuật của Quân lực VNCH gồm 10 tỉnh Biên Hòa, Phước Tuy, Bình Tuy, Long Khánh, Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An. Nhưng tỉnh Bình Thuận bấy giờ thuộc Vùng II Chiến thuật. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu VI trực thuộc Trung ương Cục Miền Nam, có một vị trí chiến lược và phong trào cách mạng, đặc biệt với địa bàn duyên hải cực Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên ở đây. Lịch sử biến động vùng đất thổ huyện Tuy Lý xưa, chiếm một vùng đất phía nam rộng lớn. Trong chiến tranh vùng đất này mang tầm chiến lược quan trọng của miền Đông Nam bộ. Nhưng trong thời bình, đây cũng là nơi giàu tiềm năng thiên nhiên phong phú, kể cả về thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho sự phát triển. Huyện Hàm Tân xưa lấy sông Dinh làm ranh giữa 2 tổng Phong Điền và tổng Phước Thắng. Địa giới hai đầu của huyện Hàm Tân chủ yếu dựa theo cư dân sống cặp bờ biển, từ Văn Kê. Cửa Cạn xuống tận Thắng Hải… Lỵ sở của huyện Hàm Tân nằm trên đất làng Hàm Tân, là phường Phước Hội ngày nay. Còn làng Phước Lộc tập trung dân nghề biển từ miền Trung vào nhưng sau khi Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam kỳ 1865, nhiều đợt di dân từ đó dạt ra. Phải chăng có mối giao tiếp và ảnh hưởng về văn hóa bản địa nên một số làng lân cận ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều địa danh mang chữ Phước/福 ở đầu (Phước Bửu, Phước Thắng, Phước Tỉnh, Phước Tuy, Phước Hải, Phước Lễ…) và dịch trạm Thuận Phước là điểm dừng ở làng có tên Phước Lộc (La Gi), đánh dấu bước chân của cư dân từ phương nam trên đất Bình Thuận. Đường cái quan thời nhà Nguyễn từ Phan Thiết đến Biên Hòa - Sài Gòn cũng theo bờ biển qua các dịch trạm Thuận Lý/Thuận Lâm (gần làng Thạnh Mỹ), Thuận Trình (Tam Tân), Thuận Phước (Phước Lộc), Thuận Phương (Thắng Hải), Thuận Biên giáp Xuyên Mộc (sau là Mộc Xuyên - thuộc Biên Hòa)… Đến năm 1890, mở đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1A) qua Bình Thuận mới bỏ đoạn đường quan lộ ven biển này. Đường thủy tính theo bờ biển từ mũi Khe Gà xuống Mũi Bà (Xuyên Mộc) khoảng 80 km.

La Gi qua các thời kỳ là địa bàn trung tâm của hoạt động thương mại, hành chính đều diễn ra trên phần đất Phước Hội, Phước Lộc mà từ xưa người dân quen gọi tên La Gi. Tên con sông Dinh từng có trên nhiều bản đồ, nhưng với sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 12 - Bình Thuận) lại ghi tên con sông là La Di “chảy ra cửa biển La Di”.

Giai đoạn La Gi - Hàm Tân dưới thời phong kiến, Pháp thuộc 1916 - 1945, tuy là huyện lỵ nhưng vẫn còn là vùng đất hẻo lánh phía nam của Bình Thuận. Gần 40 năm với 9 đời tri huyện và sau cùng là Hồ Đình Lan. Hàm Tân lúc này chỉ có cư dân tản mát ở các làng Tân Lý, Tân Long, Phước Lộc, Hàm Tân và xa hơn là Văn Kê, Phong Điền, Tam Tân, Phò Trì, Thắng Hải… Nhưng đến đầu năm 1946, Pháp tái chiếm lại Hàm Tân, lập các đồn chợ La Gi, Tân Lý, Tam Tân… và người dân Hàm Tân, La Gi tản cư vào rừng sâu, bắt đầu với cuộc trường kỳ kháng chiến. Đến năm 1949, Pháp rút quân về Phan Thiết thì Hàm Tân/La Gi hoàn toàn trở thành vùng căn cứ địa phía nam của tỉnh cho đến ngày thi hành Hiệp định Genève 1954, chiến tranh chấm dứt.

Địa danh mới trên nền đất cũ

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Bình Tuy, tỉnh lỵ tại La Gi thì lúc này mới dần dần hình thành phố thị. Trục đường chính từ chợ Cá biển chạy cặp theo bờ hữu ngạn sông Dinh lên cầu Tân Lý ngày nay (tức đường Cộng Hòa - nay là Lê Lợi). Khu Chợ Cũ mở ra, nhiều hộ buôn bán đầu tiên và sau đó xây dựng mới khu Chợ Mới. Phần lớn là những người gốc quê La Gi lánh cư ở Phan Thiết cùng một số người Hoa có vợ có chồng người Việt quay về. Chủ yếu các tiệm chạp phô, thuốc bắc, tiệm may, hủ tiếu… Một bộ phận dân sống nghề biển đã tạo nên sức hút mạnh mẽ bởi nguồn lợi hải sản phong phú của vùng biển này.

Ngôi chợ La Gi (nền chợ La Gi/Phước Hội hiện nay) được xây dựng sớm nhất lúc đó khu vực này. Cơ quan hành chính tỉnh đầu tiên đặt tại khu đất bên bờ hữu ngạn sông Dinh (sau này là Công ty Hải sản cũ), cạnh đó là một bệnh viện khoảng 50 giường. Các ty sở đóng lân cận trên phần đất phường Phước Hội. Con đường Thống Nhất (đường Sứ) 4 km hiện nay như chiếc đòn gánh mà hai đầu là khu sản xuất, thương mại và đầu kia là khu công sở hành chính, bệnh viện, trường trung học… Bộ máy chính quyền đều chuyển lên khu hành chính này, nhưng đến năm 1958-1960 mới xây dựng các ty sở, khu Kiến ốc cục, Tòa hòa giải, Bưu điện, Công viên, Tòa hành chánh, Tiểu khu… trên “Tỉnh Mới” (cách gọi hồi đó). Đập Đá Dựng cũng hoàn thành, vừa cung cấp nước cho hai cánh đồng Tân Lý, Phước Thiện (Tân Thiện) và cũng là nguồn nước sinh hoạt cho địa bàn tỉnh lỵ.

Rồi sẽ đến lúc không còn mấy ai hình dung đến mảnh đất thị xã La Gi ngày nay nếu tính từ năm thành lập huyện Hàm Tân năm 1916 với chặng dài trên một thế kỷ đã thay đổi, khác biệt như thế nào. Những địa danh thời mở đất, ngay giữa lòng thị xã La Gi hầu hết có tên theo đặc điểm tự nhiên, thuần Việt nay mất dần từ khi vùng bưng biền đã đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp và trở thành tỉnh lỵ Bình Tuy dưới chế độ cũ từ năm 1956. Nhưng tỉnh Bình Tuy vươn dài đến miệt tây nam của tỉnh mở ra các quận Hoài Đức, Tánh Linh. Địa danh Láng Găng - là một nghĩa địa ở mép rừng (nay là sân vận động), Đường sứ có từ khoảng 1890 nối ngã tư Trường Tiền (QL1A) với La Gi. Đoạn đường Thống Nhất hiện nay là phần cuối của con đường này. Tại vòng xoay công viên Nguyễn Huệ có tên Láng Cát và lân cận là Bưng Cần Câu, Xóm Rẫy, Bưng Ngang, Suối Dứa, Bàu Ong, Giếng Thầy, Láng Đá… Những cánh đồng, rẫy bái giáp rừng ngày đó đã thay bằng tên phường, khu phố. Con lạch nhỏ tách ra từ sông Dinh cách cầu Tân Lý chừng trên trăm mét chảy luồn qua đìa ngập nước và cỏ cói/lác (xóm Giang Đà - khu phố 10 - Phước Hội), vòng vèo qua cạnh hông chùa Quảng Đức rồi nhập vào sông Dinh. Khu phố mới đường 23/4 mọc lên trên đất san lấp vũng đầm lầy rậm rịt cây mắm, bụi tre cạnh thửa đất rộng của ông Tổng Đoàn. Cạnh đó là sân banh của huyện, nơi diễn ra cuộc mit-tinh lịch sử thành lập chính quyền Cách mạng 1945.

Ấn tượng hơn, với một đô thị loại 3 La Gi, nay tròn 20 năm kể từ ngày thành lập thị xã (2005-2025), những công trình xây dựng, những con đường phố, dưới không gian cuộc sống thanh bình đã làm nên diện mạo mới, xứng tầm của một đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch một cách nhanh chóng.

(*) - Tham khảo từ: Đại Nam nhất thống chí (tập 12) - Nhà xuất bản Nha VH-Bộ VHGD/VNCH 1965; Nam kỳ Địa hạt Tổng thôn (Nhà xuất bản Tổng hợp TP. HCM 2017; Nghiên cứu Địa bạ Triều Nguyễn - Bình Thuận - 1966; Địa chí Đồng Nai 2001; Địa phương chi Bình Tuy (1/1975)…

PHAN CHÍNH