Đảo Phú Quý: Đâu chỉ như hòn ngọc giữa biển
Xã hội - Ngày đăng : 05:20, 05/05/2025
Cuộc cạnh tranh “gần hơn” với đất liền
Cứ như bù cho sự trễ hẹn với dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng đảo Phú Quý (27/4/1975 - 27/4/2025), 3 ngày sau, đúng ngày 30/4, theo thông tin từ Ban quản lý Cảng Phú Quý, du khách các nơi đã lên tàu ra đảo với con số kết về chiều muộn là gần 2.300 khách, dù các sự kiện hoạt động hoành tráng trên đất liền chưa kết thúc. Sang ngày 1/5, thủy triều tại cảng Phan Thiết xuống thấp khiến tàu Trưng Trắc có công suất chở khoảng 600 khách không thể rời bến nhưng đến cuối chiều thống kê có 1.640 khách lên đảo. Tiếp 3 ngày nghỉ sau có thêm gần 2.000 khách ra đảo nữa, để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đại dương vào mùa được xem là êm dịu và đẹp rực rỡ nhất trong năm. Những ngày qua, có 3 tàu cao tốc chuyên chở hành khách và mỗi ngày có 5 chuyến ra đảo và 5 chuyến vào đất liền nhưng 2 ngày lễ chính, có nhiều du khách không ra được đảo, vì hết vé, và vì kẹt thủy triều. Sang ngày 2/5, nhiều du khách khác mới có cơ hội mua được vé để có thể ra đảo.


Đây là sự kiện đánh dấu sức hút du lịch biển đảo Phú Quý và qua đó cũng mở ra giai đoạn cạnh tranh của phương tiện chuyên chở phải đạt các yêu cầu mà người dân và du khách mong muốn. Thực tế, mấy năm qua, những chiếc tàu chở khách ra đảo Phú Quý mất từ 4-6 tiếng đã được thay thế dần bằng những chiếc tàu chở khách nhanh hơn, tiện lợi hơn. Nổi bật là năm 2023, với dự báo lượng khách tăng đột biến, các doanh nghiệp vận tải đã tính toán, đưa thêm 2 tàu cao tốc chở khách chạy tuyến Phan Thiết – Phú Quý và ngược lại. Tính chung, thời điểm ấy, tuyến vận tải Phan Thiết – Phú Quý có 6 tàu chuyên chở khách, trong đó tốc độ tàu chạy khác nhau cũng như tiện nghi phục vụ khách khác nhau. Nhưng năm đó, 6 tàu chở khách hoạt động được 2.132 chuyến, xuất cập ở 2 đầu bến và vận chuyển 437.738 hành khách. Còn 8 tàu chở hàng cùng một số tàu hàng hóa từ địa phương khác được thuê chở vật liệu xây dựng, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho nhân dân trên đảo với sản lượng gần 170.000 tấn.


Sang năm 2024, dù không có sự kiện hoạt động nổi bật nhưng khách đến Bình Thuận vẫn chọn ra đảo Phú Quý và các tàu đã chuyên chở trên 400.000 hành khách và trên 190.000 tấn hàng hóa các loại. Và đến thời điểm này, những tàu chạy chậm hơn đã tìm tuyến khác, tuyến Phan Thiết – Phú Quý và ngược lại chỉ còn 3 tàu cao tốc với thời gian di chuyển chỉ hơn 2 – 2,5 tiếng đồng hồ nên nhu cầu đi lại giữa đất liền và đảo đã rất thuận lợi. Nhờ tạo ra cuộc cạnh tranh rút ngắn thời gian đi, đã giúp Phú Quý có sự thu hút đầu tiên với đủ tệp khách, trong đó có khách quốc tế đến khám phá những danh thắng, di tích lịch sử văn hóa, tập quán, con người trên đảo đẹp và lạ được ví như hòn ngọc giữa biển.




Có khối cố kết cộng đồng
Dịp lễ này, với lượng khách từ đảo vào đất liền ít như ngày 30/4 có 575 hành khách, ngày 1/5 có 480 hành khách cho thấy khách ra đảo chơi không chỉ 1-2 ngày. Đó là lý do 68 khách sạn, nhà nghỉ và 100 cơ sở homestay trên đảo xuất hiện trong thời gian gần đây đều hoạt động tốt. Điều đáng chú ý, dù khách có ra đông bất ngờ đến cỡ nào cũng không rơi vào cảnh vỡ trận, vì chỗ ở tại nhà dân thì đều có sẵn. Đồ ăn, thức uống, phương tiện vận chuyển, nơi vui chơi, thư giãn, khám phá theo nhu cầu, ước muốn của du khách, dân trên đảo đều có thể đáp ứng. Đó là thực tế đã diễn ra trong năm 2023, lúc cao điểm, du khách chiếm đến 1/3 dân số trên đảo. Và thời điểm này của năm nay cũng thế. Cả đảo hầu như đều tham gia làm du lịch ở các khâu, các dịch vụ một cách nhịp nhàng và từ đó thu nhập chung của cả xóm, làng cũng tăng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên đảo chỉ còn 21 hộ/69 khẩu, chiếm 0,31% dân số.

Sự ứng phó linh hoạt từ tinh thần cố kết cộng đồng trên cũng dễ lý giải khi cùng sống ở giữa biển phải đối phó những bất ngờ ập đến. Thế nên, nói đến Phú Quý là nói đến nhiều mô hình kết nối làm ăn, sản xuất kinh doanh rất sáng tạo mà ở đất liền không thể có. Như mô hình đánh bắt và thu mua hải sản trên biển, vừa tiết giảm chi phí vừa hỗ trợ nhau trên biển, nhất là trên đảo còn nhiều tàu thuyền chưa đủ lực để ra khơi một mình mà có dư. Thống kê mới nhất cho thấy Phú Quý hiện có 1.735 chiếc, nhưng trong đó thuyền có công suất trên 90CV chỉ được 594 chiếc, bao gồm thuyền dịch vụ thu mua, chế biến hải sản 130 chiếc. Tuy nhiên, sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 32.000 tấn. Riêng năm 2024 đạt trên 36.000 tấn, tăng 257% so cùng kỳ năm 2005.


Lý do bởi ngư dân Phú Quý phần lớn đánh bắt khu vực biển Trường Sa, nơi nguồn lợi hải sản phong phú nhưng cũng đồng thời là điểm nóng khi tàu lạ luôn xâm phạm. Vì thế, mỗi lần ra khơi là ngư dân Phú Quý đi theo đoàn với trên dưới 10 chiếc thuyền, phân bổ khu vực đánh bắt hợp lý để vừa hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển, vừa như là cột cờ di động góp phần đánh dấu chủ quyền biển đảo. Thế nên, tinh thần kết nối thành một khối giữa biển cả của người dân trên đảo luôn lấp lánh theo thời gian.

Điều này cũng thấy rõ trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Quý. Bây giờ, hơn 90% các tuyến đường trên đảo đều đã nhựa hóa, bê tông, xi măng, trong đó có những con đường ngắn chỉ từ 20-30 m vào các xóm nhà khiến ai đặt chân lên đảo đều cảm nhận sự khang trang. Ít ai biết những con đường ngắn ấy là khởi đầu của chung sức, chung lòng mà người dân trên đảo đã thực hiện từ sớm trước khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước trong xây dựng cơ sở vật chất, cộng thêm thuận lợi từ diện tích không lớn, chỉ có 3 xã nên đảo Phú Quý đạt chuẩn hết các tiêu chí và thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận về đích nông thôn mới vào năm 2015.



10 năm qua, Phú Quý tiếp tục được đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, thể hiện qua hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đã cơ bản với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. Những hạ tầng thiết thực ảnh hưởng đời sống người dân đều bảo đảm. Nổi bật như điện, từ chỗ chỉ sáng có thời hạn, mấy năm nay, trên đảo đã có điện 24/24h, nhờ Điện lực Phú Quý vận hành thành công mô hình kết hợp hòa lưới 3 nguồn điện diesel - điện gió - điện mặt trời với tổng công suất là 16,68 MW. Với lượng khách du lịch ra đảo ngày càng đông, dự án “Nâng công suất máy D1 và D2 - Nhà máy Điện Phú Quý” đang được triển khai với tổng công suất tăng thêm 2.200 kW, dự kiến đưa vào vận hành trong quý IV năm 2025. Tương tự, hệ thống nước sinh hoạt trên đảo với công suất 1.590 m3/ngày đêm nhưng mùa này đang phải cấp luân phiên theo từng tuyến đường, khu vực trên đảo nên tỉnh cũng đang triển khai dự án xây dựng những hồ chứa nước ngọt.


Theo lãnh đạo huyện Phú Quý, để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới, Phú Quý phải giải quyết các vấn đề như đẩy nhanh xây dựng quy hoạch, cơ sở vật chất về trường học cần đạt chuẩn theo quy định, triển khai các thủ tục theo luật định để xử lý rác thải, nhất là trên đảo đã có Nhà máy xử lý rác Phú Quý có công suất lò đốt 70 tấn/ngày nhưng hiện mới hoạt động đạt 35% công suất thiết kế.
Tất cả là cơ sở, là bệ phóng để Phú Quý được tiếp tục xây dựng là đặc khu trong thời gian tới.


Kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của Phú Quý và được tập trung đầu tư phát triển nhanh, mạnh, bền vững, cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản xuất chế biến và nuôi trồng gắn với ngành du lịch, thương mại - dịch vụ.