Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị: Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 05:22, 05/05/2025
Bệ phóng cho kỷ nguyên phát triển
Điểm nhấn đầu tiên của Nghị quyết số 66 là Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật trực thuộc Bộ Chính trị, trực tiếp do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban; Phó trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cho thấy tầm quan trọng của Nghị quyết này. Nghị quyết 66 khẳng định: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Nghị quyết 66 khẳng định: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện. Nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống - xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư. Mặt khác, việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng; cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế “hai con số”, thì công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Từ tình hình trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66, yêu cầu công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy Nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển.

7 nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết 66
Để hiện thực hóa các định hướng, Nghị quyết 66 đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chiến lược. Đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong đó, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được. Đồng thời, tập trung xây dựng pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, phi truyền thống như: Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khai thác nguồn lực dữ liệu, tài sản mã hóa... để hình thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.
Đề cao công tác phòng ngừa, cảnh báo vi phạm pháp luật đi đôi với việc tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, thiếu trách nhiệm. Đồng thời, góp phần khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc can thiệp, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Không “hình sự hóa” các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế.
Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Có thể nói, Nghị quyết 66 không chỉ là một định hướng về kỹ thuật lập pháp, mà còn là một bản thiết kế chiến lược để tái cấu trúc nền tảng thể chế quốc gia – là bệ phóng cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, văn minh và giàu mạnh.