Mùa thi cận kề và những nỗi lo

Đời sống - Ngày đăng : 21:48, 03/05/2025

Mùa thi của con đang đến gần nhưng mang theo những nỗi lo lắng không tên, đặc biệt đối với những bậc phụ huynh có con đang học tiểu học. Chương trình học ngày càng nặng nề, tạo áp lực không chỉ cho các em học sinh mà còn cả những người làm cha, làm mẹ khi chứng kiến con mình phải gồng mình đối diện với chương trình học quá tải...
hinh-tre-em-vui-choi-3.jpg
Trẻ em cần thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa để bồi dưỡng thêm các kỹ năng mềm.

Nỗi lòng người mẹ bắt đầu từ sự xót xa khi nhìn con phải “vật lộn” với đống bài vở mỗi ngày khi mùa thi đang cận kề. Thay vì được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, con phải dành phần lớn thời gian để học thuộc lòng khối kiến thức khô khan, giải mấy bài toán hóc búa, dù chỉ mới là học sinh ở những năm cuối của cấp tiểu học. Chị Thu Trang (phường Xuân An – TP. Phan Thiết) tâm sự: “Tôi luôn cố gắng tạo động lực cho cậu con trai đang học lớp 4 hăng say học tập, nhưng thú thật là nhiều lúc tôi cũng thấy nản khi nhìn cháu cố “nuốt trôi” đống đề cương ôn tập nhằm chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ 2 sắp tới. Theo quan sát của tôi, chương trình học bây giờ quá nặng, kiến thức thì mênh mông, lan man. Tôi sợ con mình sẽ mất đi niềm yêu thích học tập. Chương trình học nặng nề khiến cho việc học trở thành một gánh nặng đối với con. Con không còn cảm thấy hứng thú, yêu thích việc học mà chỉ xem đó là một nghĩa vụ phải hoàn thành dưới sự đôn đốc, nhắc nhở của cô giáo và mẹ”. Thật vậy, chính điều này khiến cho người mẹ này vô cùng lo lắng, bởi chị hiểu rằng việc học phải xuất phát từ sự yêu thích, tự nguyện thì mới có hiệu quả cao.

hinh-tre-em-vui-choi.jpg

Nỗi lòng của những người mẹ khi có con đang bước vào cao điểm mùa thi còn xuất phát từ sự bất lực khi không thể giúp con giải quyết những khó khăn trong học tập. Chị Phương Anh (phường Phú Thủy) lo lắng: “Suốt kỳ nghỉ lễ vừa qua, tôi dành thời gian để ôn bài cùng con chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, nhưng thú thật nhiều kiến thức bây giờ tôi cũng không hiểu, dù con chỉ mới học tiểu học. Tôi cảm thấy mình bất lực khi không thể giúp con giải quyết những bài toán khó, những câu hỏi hóc búa nhưng trong bối cảnh cấm dạy thêm học thêm như hiện nay khiến cháu hầu như phải tự bơi cùng với khối lượng kiến thức lớn ở trường lớp”. Thực tế thời gian qua, với chương trình học khá nặng nên đa phần phụ huynh đều gửi gắm con học phụ đạo tại các trung tâm hoặc nhờ giáo viên của các cháu kèm cặp, bồi dưỡng thêm. Tuy nhiên hiện nay ngành giáo dục đã có chủ trương cấm dạy thêm học thêm nên e rằng với khối lượng kiến thức lớn như vậy, các em khó lòng tiếp thu một cách triệt để ngay trên lớp học chính khóa.

hinh-tre-em-dang-hoc-tap.jpg

Một điều phải nhìn nhận rằng, để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm một cách hiệu quả, cần phải có một giải pháp toàn diện và cân bằng, thay vì chỉ đơn thuần là cấm đoán. Trước hết, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, đảm bảo rằng học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay trong giờ học chính khóa. Điều này đòi hỏi sự đầu tư vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình học. Giáo viên cần được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn vững vàng và phương pháp giảng dạy, truyền đạt hiệu quả. Cơ sở vật chất cần được trang bị đầy đủ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Chương trình học cần phải được thiết kế khoa học, phù hợp với trình độ và khả năng của học sinh, chớ không phải như hiện nay đa phần mỗi trường dạy loại sách khác nhau và mỗi năm thường thay đổi sách, khiến cả giáo viên và học sinh cảm thấy mệt mỏi… Để làm được điều đó cần phải có lộ trình rõ ràng, bài bản chớ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Việc cấm dạy thêm, học thêm, dù được đưa ra với mục đích tốt đẹp nhằm giảm áp lực cho học sinh và đảm bảo công bằng trong giáo dục, lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và những hệ lụy phức tạp. Do đó để có cái nhìn toàn diện, cần phân tích kỹ lưỡng các khía cạnh của vấn đề này.

Nỗi lòng của những người mẹ có con học tiểu học khi bước vào mùa thi là một bức tranh đa sắc. Nó thể hiện sự trăn trở, lo lắng về chương trình học nặng nề, phương pháp dạy học cứng nhắc, áp lực điểm số và sự bất lực khi không thể đồng hành, giúp con giải quyết những khó khăn trong học tập. Để giảm bớt gánh nặng cho cả con và mẹ, thiết nghĩ cần có sự thay đổi từ phía nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường cần điều chỉnh chương trình học, phương pháp dạy học để phù hợp với lứa tuổi, khả năng của học sinh. Gia đình cần tạo cho con một môi trường học tập thoải mái, không áp lực, khuyến khích con phát triển toàn diện. Xã hội cần thay đổi quan niệm về thành công, không nên quá coi trọng điểm số, thành tích mà cần chú trọng đến sự phát triển toàn diện của mỗi em học sinh… Có như vậy thì mỗi mùa thi đến là cả phụ huynh và các em học sinh đều có một tâm thế thật nhẹ nhàng, vững tin.

Hồng Trinh