Nhận diện sản phẩm thật - giả tránh vào bẫy lừa

Đời sống - Ngày đăng : 05:10, 06/05/2025

Một cái nhấp chuột có thể đưa người tiêu dùng đến với hàng loạt sản phẩm “chữa khỏi mọi bệnh” chỉ sau vài ngày, với lời lẽ thuyết phục đến mức tưởng như thật. Tuy nhiên, đằng sau đó là những chiếc bẫy hàng giả, quảng cáo sai sự thật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và túi tiền người tiêu dùng.

Sản phẩm nghi giả, loạn quảng cáo

Mới đây, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nghi ngờ là hàng giả, cho đến khi có kết luận cuối cùng từ cơ quan công an. Cụ thể, sản phẩm Ăn Ngon Baby Shark, do Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dược phẩm Drapharco chịu trách nhiệm; sản phẩm Medi Kid Calcium K2, do Công ty TNHH Dược phẩm Medi Uspharma chịu trách nhiệm. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phát hiện một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng; trong đó, có 2 sản phẩm trên nghi là hàng giả.

tra-cuu-thong-tin.jpg
Trang web tra cứu thông tin sản phẩm.

Thực tế, tình trạng thực phẩm chức năng rao bán tràn lan trên mạng xã hội đang ngày càng đáng lo ngại. Chẳng hạn, sản phẩm “giảm đau xương khớp cấp tốc”, “ổn định đường huyết sau 7 ngày”, “đánh tan mỡ nội tạng”... được quảng cáo công khai, đi kèm video thổi phồng công dụng, sử dụng hình ảnh bệnh nhân “trước và sau” khi dùng sản phẩm; thậm chí mạo danh bác sĩ, chuyên gia...

Bà T.T.M. (Phan Thiết) bị tiểu đường và đau xương khớp. Bà M. chia sẻ: “Sau khi xem quảng cáo trên Facebook, mua sản phẩm với giá hơn 4 triệu đồng. Sau đợt sử dụng, bà cảm thấy mệt mỏi, tìm đến bác sĩ. Bác sĩ cho biết đường huyết vẫn cao”. Không chỉ bà M., nhiều người tiêu dùng rơi vào bẫy quảng cáo với lời hứa hẹn hấp dẫn như “Chỉ 5 ngày khỏi bệnh”, “Sản phẩm được bệnh viện lớn khuyên dùng”.

Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không phải thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Điều này được quy định, nhưng mạng xã hội thường bị bỏ qua hoặc mập mờ. Với tâm lý muốn mau lành bệnh, người tiêu dùng tin vào lời quảng cáo và hiệu ứng đám đông, dẫn dến mắc lừa. Cùng với đó, sự thiếu kiểm duyệt trên các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo sai sự thật. Từ đó, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm kém chất lượng, bỏ qua điều trị y tế chính thống, dẫn đến mất tiền và ảnh hưởng sức khỏe.

Tra cứu thông tin trước khi mua

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường triệt phá các đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội và internet để tiêu thụ sản phẩm ngoài các kênh phân phối chính thống. Trước thực trạng này, Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời thường xuyên cảnh báo người dân về cách nhận biết sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các cơ sở và đầu mối phân phối sản phẩm vi phạm. Bên cạnh đó, là tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, xác minh nguồn gốc hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh dược phẩm, và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài công tác kiểm tra, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông, yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc giả, nâng cao nhận thức cộng đồng; thúc đẩy bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn.

Để hỗ trợ người dân trong việc xác minh thông tin sản phẩm, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế xây dựng hệ thống tra cứu trực tuyến tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn /congbothuoc/index. Tại đây, người dùng có thể tra cứu thông tin bằng cách chọn mục “Tra cứu số đăng ký”, nhập số đăng ký hoặc tên thuốc, sau đó nhấn “Tìm kiếm” để hiển thị kết quả. Hệ thống sẽ cung cấp đầy đủ thông tin như: tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hàm lượng và hướng dẫn sử dụng đã được phê duyệt. Đây là công cụ hữu ích, giúp người tiêu dùng kiểm tra tính hợp pháp và chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng.

TRANG MINH