“Thiên đường” du lịch Lâm Đồng mới sau sáp nhập
Du lịch - Ngày đăng : 05:16, 06/05/2025

Đến nay việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước theo chủ trương của Trung ương đã định hình rõ nét, nhất là trong việc sáp nhập các tỉnh, thành.
Theo đó, ngoài 11 tỉnh, thành không sáp nhập thì còn 52 tỉnh, thành được hợp nhất thành 23 tỉnh, thành mới. Trong đó có 2 tỉnh cao nguyên Đắk Nông, Lâm Đồng hợp nhất với tỉnh ven biển Bình Thuận thành một tỉnh mới. 3 tỉnh giờ gọi chung là tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số lớn nhất cả nước sau sáp nhập. Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án) được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, tỉnh Lâm Đồng mới có tổng diện tích 24.233,1 km2 và quy mô dân số 3.324.400 người. Có tứ cận giáp nước bạn Campuchia và các tỉnh, thành gồm: Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh (nơi sáp nhập Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương) và biển Đông. Tỉnh Lâm Đồng mới có đường biên giới trên bộ dài 140km và trên biển 192km, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu đa dạng.
.jpg)
Lâm Đồng mới rất giàu tiềm năng du lịch. Điều này trong thực tế đã thấy, vùng đất Đắk Nông nổi tiếng có Vườn Quốc gia Tà Đùng cùng Hồ Tà Đùng - “Vịnh Hạ Long ở Tây Nguyên”; Dãy núi lửa Nâm Kar được hình thành từ 3 núi lửa gồm một nón than chính và hai nón than phụ. Đồng bào M’Nông ở nơi đây vẫn còn lưu truyền những câu chuyện huyền bí về sự tích hình thành núi lửa Nâm Kar, với ý nghĩa giáo dục, nhắc nhở con cháu không xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó có đường biên giới Đắk Nông kết nối với Campuchia qua hai cửa khẩu Đắk Peur (huyện Đắk Mil) và Bup'rang (huyện Tuy Đức) uốn lượn quanh co ôm rừng thông xanh mát. Thêm vào đó, nhiều thác nước hùng vĩ như: Thác Liêng Nung ở xã Đắk Nia và Thác Trinh Nữ, thác Đắk G’lun ở các huyện Cư Jút, Tuy Đức…

Bên cạnh là vùng đất Lâm Đồng, nơi có thành phố Đà Lạt được du khách đặt cho nhiều cái tên mỹ miều là "thành phố ngàn hoa", "thành phố ngàn thông", "thành phố sương mù" và "thành phố tình yêu". Vì ở đây có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, nhiều danh thắng cảnh đẹp như tranh vẽ. Đó là Thung lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Đồi Thông Hai Mộ, Thác Voi, Hồ Xuân Hương, Đỉnh Lang Biang, Thiền Viện Trúc Lâm, Hồ Tuyền Lâm… và nhiều điểm đến đẹp, hấp dẫn khác. Mỗi năm, Đà Lạt thu hút hàng ngàn du khách, đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều người trong số họ trở lại tham quan, nghỉ dưỡng nhiều lần và hứa hẹn trong tương lai sẽ tiếp tục quay lại.
Cuối tháng 3/2025 vừa qua, Đà Lạt nhận 2 giải thưởng: Giải thưởng Festival châu Á 2025 (2025 Asia Festival Awards) ở hạng mục Festival Hoa và Vườn châu Á 2025 và Giải thưởng Đỉnh cao châu Á (Asia Pinnacle Awards) ở hạng mục Festival thân thiện với môi trường nhất do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế châu Á (IFEA ASIA) bình chọn. Đà Lạt cũng được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc.
.jpg)
Cùng với đó là vùng đất ven biển Bình Thuận có biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Với nhiều điểm nổi tiếng trong và ngoài nước như Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, đảo Phú Quý đẹp như tên gọi. Ngoài ra có Khu di tích Trường Dục Thanh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy học, Lầu Ông Hoàng, tháp Po Sah Inư, bãi Đá Ông Địa, Cánh đồng điện gió, Đồi cát trắng, Bãi đá Cổ Thạch, Cù Lao Câu…
Năm 2024, Lâm Đồng có tổng doanh thu du lịch xếp thứ 9 trong 10 tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Bình Thuận cũng tăng mạnh lượng khách và doanh thu từ du lịch sau khi vận hành tuyến cao tốc kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Nam Trung bộ. Dù chưa phát triển du lịch mạnh mẽ bằng Lâm Đồng và Bình Thuận, nhưng Đắk Nông có những điểm đến thú vị cũng sẽ góp phần phát triển mạnh về du lịch sau sáp nhập. Với một bức tranh du lịch như vậy, tỉnh Lâm Đồng mới hứa hẹn sẽ là “thiên đường du lịch” với núi cao - hồ rộng - biển xanh - đảo đẹp.