Luật Nhà giáo: Tạo động lực thực sự cho nhà giáo cống hiến lâu dài

Xã hội - Ngày đăng : 14:26, 06/05/2025

BTO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay 6/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo.
202505060843433393_z6572550178234_2a8428fbbdbfd102f72b3d1382fa3484.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận sáng 6/5.

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ một số vấn đề lớn được điều chỉnh nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật đối với nhà giáo. Về quyền và nghĩa vụ, dự thảo Luật đã phân định rõ quyền và nghĩa vụ chung cho nhà giáo, đồng thời quy định riêng biệt cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quyền tham gia quản lý doanh nghiệp công nghệ thuộc cơ sở giáo dục đại học, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, quy định về việc không được phát tán thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng liên quan đến nhà giáo tiếp tục được giữ nguyên để bảo vệ uy tín ngành sư phạm, nhưng vẫn bảo đảm không mâu thuẫn với các luật về quyền tiếp cận thông tin.

202505060843433549_z6572552284292_4fb93c3535caa853b42d2985cbb99401.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

Về công tác tuyển dụng, dự thảo luật quy định phân cấp rõ ràng: ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo; với các trường thuộc lực lượng vũ trang, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc tuyển dụng, bao gồm cả nhà giáo là người nước ngoài. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung chính sách điều động nhà giáo nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, nhất là tại các vùng khó khăn, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc, thẩm quyền và các trường hợp được miễn điều động...

a0cbcd0343eef1b0a8ff.jpg
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại hội trường sáng 6/5.

Tham gia ý kiến thảo luận ở hội trường, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước.

Góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2), đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, thực tiễn có một số đối tượng là “nhà giáo thỉnh giảng”, “nhà giáo nghỉ hưu nhưng tiếp tục giảng dạy” và cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đặc thù như trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện, các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ… nhưng dự thảo luật vẫn chưa khái quát được, do đó đại biểu đề nghị bổ sung rõ hơn về các đối tượng trên nhằm bảo đảm bao quát thực tiễn và thống nhất với các luật chuyên ngành.

202505060843433862_z6572553657563_509e4e11403129f83f4dac702013c9f3-1-.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận. 

Về quyền của nhà giáo tại Điều 8, theo đại biểu, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đại biểu đề xuất bổ sung quyền được sử dụng và hỗ trợ kỹ thuật các công cụ số, AI, kho học liệu mở – gắn với chương trình chuyển đổi số ngành giáo dục.

Về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo - Điều 25: Tại điểm a khoản 1 quy định “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Đại biểu cho rằng việc quy định như trên là có cơ sở về chủ trương, phù hợp định hướng của Đảng; Việc ưu tiên lương cho nhà giáo thể hiện sự ghi nhận, khuyến khích đội ngũ giáo viên, nhất là tại vùng khó khăn, ngành học đặc thù như mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng nếu áp dụng nguyên tắc “cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” mà không có tiêu chí rõ ràng có thể sẽ gây phản ứng từ các ngành sự nghiệp công lập khác (y tế, văn hóa, khoa học...); hay có thể thiếu công bằng nội bộ nếu không gắn với chất lượng, vị trí việc làm và gây áp lực lớn cho ngân sách địa phương khi thực hiện đồng loạt.

Do đó, đại biểu kiến nghị biên tập lại khoản trên theo hướng không quy định “lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống hành chính, sự nghiệp” một cách cứng nhắc trong luật, nên thiết kế bảng lương riêng cho nhà giáo theo nguyên tắc: Phù hợp đặc thù nghề nghiệp; Có hệ số, phụ cấp ưu đãi, thâm niên hợp lý; Gắn với chuẩn nghề nghiệp, kết quả đánh giá và vị trí việc làm cụ thể. Đồng thời, việc nâng lương cần đi đôi với đổi mới đánh giá chất lượng dạy học, đảm bảo nguyên tắc trả lương theo năng lực, hiệu quả. Liên quan đến chính sách đãi ngộ và thu hút tại Điều 26, Điều 27: Đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu đãi về thuế, kinh phí nghiên cứu và công bố khoa học, nhất là với nhà giáo đại học và giáo dục nghề nghiệp.

“Luật Nhà giáo không chỉ là sự khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội mà còn là hành lang pháp lý quan trọng để thu hút, gìn giữ và phát triển đội ngũ làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Tôi mong rằng dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng rõ ràng, khả thi, tạo động lực thực sự cho nhà giáo yên tâm cống hiến lâu dài” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ mong muốn.

THU HÀ