Chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô ở Khu Lê Hồng Phong

Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 07/05/2025

Thời điểm này, toàn tỉnh đang bước vào cao điểm mùa khô. Do đó, các địa phương, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Đơn cử tại Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Lê Hồng Phong, huyện Bắc Bình, với đặc điểm rừng thường xanh rụng lá và rừng trồng, mùa khô rụng lá nhiều, dễ xảy ra cháy rừng. Vì vậy, đơn vị đã và đang chủ động phòng, ngăn chặn và hạn chế tối đa thiệt hại do cháy rừng.

Tại khu vực rừng Khu Lê Hồng Phong chủ yếu là rừng phòng hộ, địa hình đồi dốc, đất cát đi lại khó khăn. Ngoài ra, những nơi giáp ranh có nhiều đặc điểm phức tạp, giáp dân cư, đất sản xuất của người dân và giáp biển. Vành đai rừng của đơn vị tiếp giáp với các xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Hồng Thái, Chợ Lầu, Bình Tân và huyện Tuy Phong, thời tiết trong vùng khắc nghiệt. Đáng chú ý, vào cao điểm mùa khô năm nay, nguy cơ gây cháy rừng vẫn luôn thường trực, như thực bì dễ bắt lửa gây nên cháy rừng trong bất kỳ địa điểm nào, nhất là các khu vực rừng trồng, rừng tự nhiên tiếp giáp với đất nông nghiệp.

874f1e7bd80968573118.jpg
Biển cảnh báo.

Bên cạnh, khu vực giáp ranh với rừng trong quá trình canh tác, dọn đốt rẫy, nếu bà con thiếu cẩn thận không kiểm tra, giám sát khiến ngọn lửa dễ gây ra cháy lây lan. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng cần chú trọng các biện pháp phòng chống cháy.

Ông Lê Châu Thành – Trưởng BQL RPH Lê Hồng Phong cho biết, hàng năm đơn vị đều triển khai và thực hiện tốt công tác cày băng trắng, băng cản lửa PCCCR. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đối với những hộ dân sống ven rừng, gần rừng trong PCCCR. Đơn vị cũng triển khai sửa chữa bảng tuyên truyền, biển báo cấm lửa, cấp cháy. Đồng thời, tu sửa, duy trì các công trình PCCCR, hệ thống chòi canh lửa, trang thiết bị, công cụ, phương tiện phục vụ công tác PCCCR hiện có, đảm bảo hoạt động tốt và phát huy được tính năng sử dụng mùa khô.

7023550d937f23217a6e.jpg
Đốt giảm vật liệu cháy tại BQL RPH Lê Hồng Phong.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng, thông báo cho địa phương các xã tuyên truyền trên loa phóng thanh nghiêm cấm việc đốt dọn nương rẫy tại các khu vực ven rừng, gần rừng về nội quy sử dụng lửa trong rừng và giáp ranh rừng; giám sát, kiểm tra chặt chẽ người ra vào rừng; phát hiện sớm và xử lý nhanh chóng những vụ đào bứng cây rừng, lấn, chiếm đất rừng khi vừa phát sinh. Phân công, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, gác trực vào mùa cao điểm, nắng nóng, hanh khô… Điều này giúp ứng phó kịp thời trong các tình huống cấp bách khi có cháy rừng xảy ra. Ban cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên trên lâm phần các đơn vị trạm BVR quản lý để có thể phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Duy trì chế độ thường trực 24/24 trong mùa khô nhằm kiểm soát chặt chẽ; giảm thiểu nguy cơ bị cháy rừng hoặc phát hiện địa điểm cháy kịp thời. Từ kết quả trên, trong 5 năm qua, lâm phần BQLRPH Lê Hồng Phong quản lý không có xảy ra vụ cháy nào thiệt hại ảnh hưởng đến rừng…

4248728b6435c06b9924.jpg
Quản lý, bảo vệ rừng mùa khô.

Lãnh đạo BQLRPH Lê Hồng Phong cho biết thêm, trong năm 2025 đơn vị đã và đang thực hiện các công trình lâm sinh, gồm chăm sóc rừng trồng bổ sung phục hồi, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên chuyển tiếp, khoán bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ chuyển tiếp, cày băng cản lửa phòng chống cháy rừng… Đối với công trình chăm sóc rừng trồng, đơn vị đã triển khai thiết kế ngoại nghiệp. Đồng thời đang tiến hành triển khai vào bầu gieo tạo và chăm sóc cây giống để phục vụ trồng rừng năm 2025. Tập trung lực lượng đủ mạnh để tăng cường kiểm tra, trấn áp vi phạm tại các khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao. Chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý vụ phá rừng trái phép, không để tình hình vi phạm có diễn biến kéo dài trở thành điểm nóng.

BQL RPH Lê Hồng Phong cho biết, lâm phần của đơn vị nằm trong ranh giới hành chính của các xã Hòa Thắng, Hồng Phong, Hồng Thái, thị trấn Chợ Lầu – huyện Bắc Bình. Tổng diện tích, hiện trạng đất rừng của Ban đang quản lý và sử dụng 15.313,49 ha, gồm 24 tiểu khu. Trong đó, rừng sản xuất trên 7.000 ha; rừng phòng hộ hơn 8.200 ha. Đặc điểm nổi bật của khu vực BQL RPH Lê Hồng Phong là thời gian mưa ngắn, lượng mưa trung bình thấp, nhiệt độ cao ít thay đổi trong năm, gió và lượng nước bốc hơi lớn. Đất đai khu vực này chủ yếu là đất cát bay bán di động. Vì vậy gây bất lợi không ít cho hoạt động phát triển lâm nghiệp của đơn vị.

K. Hằng