Cầu nối phong trào “Bình dân học vụ số”

Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 07/05/2025

Đây là kết quả hiện hữu nhất khi phong trào “Bình dân học vụ số” đang được lan tỏa mạnh mẽ khắp các xã, phường của TP. Phan Thiết.

“Bình dân học vụ số” cho cả người trẻ

Từ khi thành lập và hoạt động đội hình “Bình dân học vụ số” đến nay của Đoàn xã Phong Nẫm đã giúp bà con nhân dân nhận thức thói quen sử dụng công nghệ trong công việc cũng như đời sống hằng ngày. Trong khi đó, người dân đến bộ phận một cửa của xã để làm các loại thủ tục hành chính đều được hướng dẫn làm thủ tục điện tử. Hướng dẫn hỗ trợ đăng ký tài khoản công trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến mức 3, 4; hỗ trợ người dân cách tải ứng dụng VneID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

1-11-.jpg
Đội hình “Bình dân học vụ số” phường Phú Trinh hỗ trợ người dân các thao tác trực tuyến.

Ghi nhận thực tế tại xã Phong Nẫm cho thấy, không chỉ người lớn tuổi gặp khó trong việc tiếp cận công nghệ, nhiều người trẻ còn bỡ ngỡ khi phải làm một số thủ tục hành chính trên nền tảng số như trường hợp của anh Lâm Minh Anh và phải cần đến sự hướng dẫn của đội hình mới có thể hoàn tất thủ tục hành chính mà không mất nhiều thời gian. Theo anh Minh Anh, lý do là thói quen làm thủ tục truyền thống, nên việc làm hồ sơ trực tuyến thao tác thủ tục chưa quen là điều không thể tránh khỏi.

Anh Nguyễn Minh Khoa – Bí thư Đoàn xã Phong Nẫm đánh giá, nhiều bạn thanh niên cũng chưa nắm hết được về chuyển đổi số, như việc nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận. Đối với người lớn tuổi, hay người có điều kiện khó khăn điện thoại thông minh họ không có, hoặc không sử dụng nên rất khó trong việc cài đặt ứng dụng VneID hay các thao tác trực tuyến khác.

2-6-.jpg
Đoàn thanh niên xã Tiến Lợi triển khai nhiều đợt hỗ trợ lưu động tại địa bàn.

Là cầu nối giữa chính quyền với người dân

Đối với đội hình “Bình dân học vụ số” của đoàn phường Phú Trinh sẽ được tổ chức vào các buổi sáng thứ 4 hàng tuần. Tuy nhiên, đặc thù của địa phương là một trong những phường đông dân nhất của thành phố nên lượng hồ sơ cần giải quyết là rất cao; trong khi một thủ tục hồ sơ trực tuyến thường phải trải qua 5 thao tác nên tốn thời gian hơn. Do đó, Đoàn phường cũng linh hoạt tùy thuộc vào tình hình để bố trí đoàn viên hướng dẫn thêm vào sáng thứ 2 và thứ 6 nhằm rút ngắn thời gian và tránh việc người dân phải chờ quá lâu.

Còn tại xã Tiến Lợi, đoàn xã triển khai nhiều đợt hỗ trợ lưu động tại các khu dân cư và tập trung vào các nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, hộ gia đình không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, nhằm rút ngắn khoảng cách số và lan tỏa giá trị nhân văn của chuyển đổi số đến từng người dân. Theo thống kê, toàn TP. Phan Thiết đang hoạt động 15 đội hình “Bình dân học vụ số” trên 15 địa bàn phường, xã và đã tổ chức nhiều hoạt động như: Ra quân tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập người dân và thanh thiếu niên các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt; hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số.

Chị Phan Thị Thu Hằng – Bí thư Thành đoàn TP. Phan Thiết cho rằng, ngoài những hiệu quả về chuyển đổi số thì đội hình “Bình dân học vụ số” sẽ là cầu nối giúp người dân, nhất là ở các xã của thành phố tương tác với chính quyền dễ hơn và dần quen với công nghệ. Trong kỷ nguyên số và hướng tới một xã hội thông minh, việc phải thích nghi với công nghệ là điều không tránh khỏi. Do đó, đội hình “Bình dân học vụ số” do tuổi trẻ TP. Phan Thiết triển khai sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, giúp người dân được phổ cập kỹ năng số, từ đó ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống.

MINH NGHĨA