Nuôi bò thả rông ở Phan Thiết: Bao giờ chấm dứt?
Bạn đọc - Ngày đăng : 05:15, 08/05/2025

Chuyện người dân, chủ cơ sở du lịch ở Phan Thiết phàn nàn về tình trạng nuôi bò thả rông trong khu dân cư làm mất mỹ quan, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường không phải là mới. Nó đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. “Tôi sẽ phản ánh cho đến khi nào ở đây không còn tình trạng bò thả rông”, bà Vân Anh - chủ một cơ sở nghỉ dưỡng ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, Phan Thiết bức xúc chia sẻ mới đây khi đàn bò vào sân vườn cơ sở du lịch của bà phá cây cảnh.
Bà là trong số những người dân, chủ cơ sở du lịch đã không ít lần kiến nghị với ngành chức năng về tình trạng rác thải và bò thả rông gây ô nhiễm môi trường khu dân cư và trên bãi biển. “Không riêng gì tôi mà còn rất nhiều người bức xúc việc bò thả rông phóng uế gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông… Tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương xử lý với mong muốn Long Sơn nói riêng, Mũi Né nói chung sạch đẹp văn minh, thu hút nhiều du khách để cuộc sống người dân ở đây tốt hơn nhờ du lịch”, bà Vân Anh nói.
Năm 2024, UBND phường Mũi Né đã mời 4 hộ nuôi bò ở Long Sơn đến làm việc. Các hộ đã hứa cuối năm sẽ bán bò chuyển sang ngành nghề khác sau khi ký cam kết với UBND phường. Nhưng cho đến nay lời hứa ấy vẫn trên giấy, bò vẫn thả rông phóng uế gây ô nhiễm môi trường trong khu du lịch, nơi đông đúc du khách và mất an toàn giao thông.

Ở một số phường, xã khác cũng tương tự do ý thức kém của chủ vật nuôi. Điều này có liên quan đến chính quyền địa phương, chưa có biện pháp giải quyết căn cơ. Theo quy định, chăn nuôi phải có chuồng trại, đảm bảo môi trường, có người chăn dắt, nhất là bò, dê… Nhưng phần lớn người nuôi bò không có chuồng trại, thậm chí không có người chăn dắt. Giờ chấm dứt tình trạng này, chỉ còn cách bắt buộc các hộ chăn nuôi phải thực hiện cam kết... Nhưng làm vậy thì địa phương lại không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025 của TP. Phan Thiết, Mũi Né nuôi 100 con bò; các xã, phường khác có ít diện tích đất nông nghiệp nuôi 50 con. Do đó, để đạt chỉ tiêu, các địa phương khuyến khích người dân chăn nuôi. Dĩ nhiên có yêu cầu các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại và có người chăn thả.
“Chỉ tiêu thành phố giao thì xã, phường phải thực hiện nếu không thì không hoàn thành nhiệm vụ. Hiện chúng tôi khuyến khích người dân nuôi nhốt trong chuồng, nhưng nuôi nhốt thì bò hạn chế sinh sản nên người dân vẫn thả rông, rất khó quản lý... ”, một Chủ tịch UBND phường cho biết.
Chính vì thế, những bức xúc về tình trạng bò thả rông cứ âm ỉ trong một bộ phận nhân dân vì có phản ánh với chính quyền địa phương nhiều lần cũng như không. Ngành chức năng cần quan tâm khi giao chỉ tiêu chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các địa phương. Vì quỹ đất nông nghiệp không nhiều và trên thực tế có quỹ đất này nhưng đã bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trái phép hoặc thuê đất công hoạt động. Trong khi, thường thì các khu vực đô thị ngày càng đông đúc, phát triển theo hướng hiện đại. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng bò thả rông, mang lại mỹ quan đô thị xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an toàn giao thông; bớt đơn thư khiếu nại, phản ánh.
Trong khi chờ đợi việc xem xét giao chỉ tiêu chăn nuôi cho các địa phương, người dân và chủ cơ sở du lịch ở khu phố Long Sơn, Mũi Né nói riêng và các khu dân cư khác trên địa bàn Phan Thiết nói chung, mong ngành chức năng xử lý mạnh tay các hộ chăn nuôi không đúng quy định.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng. Nếu để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại về tài sản cho tổ chức, cá nhân, ngoài việc bồi thường còn bị phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng.