Tăng cường quản lý thị trường: Góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:41, 08/05/2025
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh, nhìn chung thị trường hàng hóa những tháng đầu năm nay trên địa bàn Bình Thuận diễn ra bình thường. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên khu vực biển của tỉnh được kiểm soát tốt và các hoạt động sản xuất - kinh doanh trên biển chưa phát sinh vấn đề nghi vấn. Dù vậy trên đất liền, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu có dấu hiệu gia tăng, nhất là đối với một số mặt hàng: Mỹ phẩm, thực phẩm chế biến bao gói sẵn, thực phẩm đông lạnh, dệt may…

Qua thực thi nhiệm vụ quý đầu năm 2025, các lực lượng chức năng của tỉnh (trong đó có Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, cơ quan Thuế, Thanh tra chuyên ngành…) đã tập trung kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm. Cụ thể là phát hiện, bắt giữ 183 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và 132 vụ gian lận thương mại hoặc gian lận về thuế, 2 vụ mua bán hàng giả, từ đó thu nộp ngân sách nhà nước hơn 22,7 tỷ đồng, khởi tố hình sự 140 vụ/219 đối tượng. Riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 33 trường hợp và phát hiện 31 vụ vi phạm, tiến hành xử lý hàng chục vụ với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 580 triệu đồng. Ngoài ra còn có một số hàng hóa vi phạm trị giá 592,17 triệu đồng.
Trước tình hình hiện nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho rằng công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dù đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn mặt tồn tại, nhất là về buôn lậu, gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng… Vì thế tới đây, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các cơ quan thành viên phải xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Đồng thời tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trong thực thi công vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Liên quan vấn đề này, mới đây Sở Y tế đã đề nghị các sở ngành, đơn vị chức năng của tỉnh phối hợp trong công tác phòng chống thực phẩm giả, kém chất lượng tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Như với Sở Công Thương thì phối hợp chỉ đạo đơn vị trực thuộc kiểm tra rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng… nhằm phát hiện những thực phẩm chưa thực hiện việc công bố để gỡ bỏ thông tin trên các sàn thương mại điện tử. Tương tự, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chỉ đạo đơn vị trực thuộc có liên quan rà soát các quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
Tiếp đó, Sở Y tế cũng đề nghị các sở ngành, đơn vị liên quan phối hợp triển khai một số nội dung hướng tới nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược và an toàn thực phẩm. Theo đó đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm giả trên địa bàn Bình Thuận. Trong khi Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Y tế cùng các đơn vị liên quan tăng cường quản lý thị trường, tổ chức kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Mặt khác còn đẩy mạnh kiểm tra hoạt động kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, ứng dụng mua bán trực tuyến, mô hình kinh doanh đa cấp liên quan đến dược phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi người tiêu dùng…
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn Bình Thuận và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2025. Trong đó có giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền nhiều cơ quan, đơn vị hoặc có tính chất nghiêm trọng, cấp bách, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh tại địa phương…