“Bí quyết” ôn thi tốt nghiệp môn ngữ văn hiệu quả

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:25, 09/05/2025

Ngữ văn là môn thi theo hình thức tự luận duy nhất và là năm đầu tiên đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Để giúp học sinh ôn thi tốt nghiệp môn ngữ văn hiệu quả, cô Phạm Thị Xuân Rớt - giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (TP. Phan Thiết) đã chia sẻ những hướng dẫn quan trọng đối với môn học này.

Cô Rớt cho biết: Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Do vậy, việc học và ôn thi có nhiều điểm khác biệt so với chương trình GDPT 2006. Cụ thể, về cấu trúc đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu và viết. Trong đó, đọc hiểu gồm 5 câu hỏi với các mức độ tư duy: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu và 1 câu vận dụng. Phần viết gồm 2 câu: 1 câu viết đoạn văn nghị luận (xã hội/văn học) và 1 câu viết bài văn nghị luận (xã hội/văn học). Về phạm vi kiến thức, ngữ liệu xuất hiện trong đề thi không nằm trong cả ba bộ sách giáo khoa hiện hành (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều).

77ae9f20-a30a-462f-a326-d8ae07087927.jpeg
Cô Rớt hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập môn ngữ văn.

Theo chia sẻ của cô Rớt, để giúp học sinh ôn tập môn ngữ văn đạt kết quả tốt cần lưu ý những điểm sau. Đầu tiên học sinh phải nắm rõ cấu trúc của đề thi để rèn luyện kỹ năng trả lời các câu hỏi, cách tạo lập văn bản theo yêu cầu của đề. Học sinh phải dựa theo các đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ôn tập. Nếu ngữ liệu Đọc hiểu là văn bản văn học thì phần viết sẽ là viết đoạn nghị luận văn học và viết bài văn nghị luận xã hội. Nếu ngữ liệu là văn bản thông tin, văn bản nghị luận thì phần viết sẽ là đoạn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học. Theo cô Rớt, điểm mới năm nay, đề thi không cho lại kiến thức đã học trong sách giáo khoa. Do đó, học sinh phải nắm chắc đặc trưng thể loại của các văn bản theo yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018. Phần này, các em đã được học ở phần Tri thức ngữ văn của mỗi bài học. Các em phải bám sát đặc trưng của thơ, truyện, tùy bút, tản văn, nhật ký, phóng sự, văn bản thông tin, văn bản nghị luận… để trả lời các câu hỏi Đọc hiểu và tạo lập đoạn văn cũng như bài văn nghị luận văn học. Câu hỏi Đọc hiểu có cả kiến thức Tiếng Việt nên các em phải hệ thống hóa lại kiến thức Tiếng Việt đã học trong chương trình để trả lời cho chính xác và đầy đủ các ý liên quan.

f3c44564-91a9-4492-9a22-53d30a97f0ae.jpeg
1 tiết ôn tập môn Ngữ văn của cô Rớt và học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo.

Đối với phần viết bài văn nghị luận văn học, chương trình GDPT 2018 có kiểu bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm. Cô Rớt cho rằng, đây là kiểu bài tương đối khó. Học sinh phải chú ý cách triển khai vấn đề nghị luận cho phù hợp với đặc trưng kiểu bài so sánh. So sánh là làm rõ sự giống và khác nhau. Nên luận điểm cần triển khai cho kiểu bài này là điểm chung và nét khác biệt giữa hai tác phẩm và lý giải tại sao. Muốn làm tốt kiểu bài này, các em cũng phải bám vào đặc trưng thể loại để so sánh và đánh giá. Cô Rớt chia sẻ: "Muốn viết tốt đoạn văn hay bài văn nghị luận xã hội, các em không chỉ trang bị kỹ năng tạo lập văn bản, các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt… mà còn phải cập nhật kiến thức, hiểu biết xã hội để văn bản đủ sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ vừa có lý lẽ vừa có dẫn chứng. Đặc biệt, nội dung nghị luận xã hội liên quan đến tuổi trẻ nên các em phải tỏ rõ được chính kiến, quan điểm và thái độ của chính mình trong bài viết. Bài viết phải thể hiện được sự trao đổi, phản biện với các ý kiến trái chiều với vấn đề cần nghị luận".

Để làm bài thi môn ngữ văn đạt kết quả cao, cô Rớt lưu ý: Học sinh phải chú ý cách trả lời các dạng câu hỏi và dung lượng, bố cục của văn bản mà đề yêu cầu. Đối với phần Đọc hiểu, đề hỏi gì thì trả lời nấy, dựa vào “từ khóa” của câu hỏi để trả lời đúng trọng tâm, không cần trả lời dài và viết thành đoạn văn. Đối với phần viết, đề yêu cầu dung lượng bao nhiêu thì viết bấy nhiêu, viết dài quá dễ dẫn tới lan man, lặp ý… và không đủ thời gian để viết. Đề thi môn ngữ văn làm bài là 120 phút, học sinh phải phân chia thời gian hợp lý cho cả phần Đọc hiểu và phần viết. Phần viết phải chiếm dung lượng thời gian nhiều hơn, còn phần Đọc hiểu dành khoảng 20 phút.

Cô Rớt hy vọng đề thi sẽ ra đúng cấu trúc, vừa sức, có tính phân loại và không đánh đố thí sinh. Nếu các em nắm chắc Tri thức ngữ văn và có tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và diễn đạt tốt thì kết quả tốt sẽ đến với các em là điều hiển nhiên.

Thanh Thuỷ