Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Cần chính sách hài hòa, lộ trình hợp lý

Kinh tế - Ngày đăng : 13:41, 09/05/2025

BTO-Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 9/5 về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ sự thống nhất với nhiều nội dung dự thảo Luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, tránh gây gánh nặng kép cho người dân và doanh nghiệp.

Tham gia ý kiến liên quan đến các đối tượng chịu thuế cụ thể (Điều 2): Về việc đưa xăng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu nhận thấy, chính sách này có một số tác động tích cực, như khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính, điều tiết tiêu dùng xăng, vốn là mặt hàng thiết yếu nhưng có tác động môi trường lớn, đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách.

dsc_2750.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, phát biểu tại hội trường sáng nay 9/5

Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn, vì xăng là đầu vào thiết yếu cho sản xuất, vận tải, sinh hoạt nên việc đánh thuế có thể đẩy chi phí lên cao, ảnh hưởng tới người thu nhập thấp và gây áp lực lạm phát. Đặc biệt, xăng hiện đã chịu nhiều loại thuế, nếu không đánh giá tổng thể sẽ dẫn đến mâu thuẫn chính sách. Do đó, đại biểu đề nghị bổ đối tượng chịu thuế hoặc cần thiết có lộ trình hợp lý, tránh tăng thuế đột ngột và cần điều chỉnh tương ứng các loại thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT để tránh gánh nặng kép cho người dân và doanh nghiệp.

Về điều hòa nhiệt độ công suất lớn (trên 18.000 BTU) thuộc đối tượng chịu thuế, đại biểu thấy rằng, việc bổ sung loại thiết bị này vào diện chịu thuế nhằm khuyến khích sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, góp phần điều tiết tiêu dùng xa xỉ hoặc sử dụng lãng phí, tạo sự đồng bộ với chính sách năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, đồng thời giúp tạo áp lực thị trường để các nhà sản xuất đầu tư vào thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, đạt tiêu chuẩn xanh là phù hợp với xu hướng chung.

Tuy nhiên, quy định này có thể tác động tới một số hoạt động ngành nghề nhất định như: trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính nhà nước… nhưng cơ sở này sử dụng điều hòa công suất lớn không phải vì xa xỉ mà vì phục vụ chức năng cộng đồng. Do vậy, đại biểu kiến nghị nên cân nhắc về quy định phân loại hợp lý, có thể miễn hoặc giảm thuế với thiết bị điều hòa công suất lớn dùng trong bệnh viện, trường học, cơ sở y tế, phục vụ công vụ, dân sinh.

Tại Điều 3 về đối tượng không chịu thuế: Quy định miễn thuế với quà biếu, tặng hiện nay dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa việc nhập hàng xa xỉ, trốn thuế. “Tôi đề nghị bổ sung điều kiện áp dụng và loại trừ hàng dễ gian lận như rượu, thuốc lá, trừ khi có xác nhận chính thức” - đại biểu đề nghị.

Đối với phương tiện giao thông chuyên dụng được miễn thuế, cần bổ sung nghĩa vụ kê khai, kiểm tra sau miễn thuế để phòng ngừa tình trạng chuyển mục đích sử dụng mà không nộp thuế bổ sung gây thất thoát ngân sách.

Góp ý về biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 8: Về ưu đãi thuế đối với ô tô điện, đại biểu thấy rằng, dự thảo quy định mức thuế thấp đối với ô tô điện là đúng hướng, nhưng theo tôi là chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển dịch thị trường, xe chạy pin được ưu đãi thuế 3–11% tùy thời điểm và loại xe đến năm 2027, sau đó tăng trở lại, với giá thành còn cao và hạ tầng sạc hạn chế, nếu tăng thuế sau 2027, thị trường xe điện trong nước có nguy cơ “chết yểu” trước khi kịp hình thành.

“Tôi kiến nghị nên duy trì mức ưu đãi thấp (3–5%) ít nhất đến năm 2030 để đồng bộ với chính sách chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải quốc gia; đồng thời cần bổ sung ưu đãi riêng cho xe điện sản xuất trong nước để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ” - đại biểu kiến nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định theo hướng giá tính thuế đối với xe điện bao gồm cả giá pin, bộ sạc, nếu không được bán riêng biệt theo hóa đơn độc lập. Vì thực tế có thể phát sinh trường hợp tách riêng giá pin hoặc trạm sạc để giảm giá xe, từ đó giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất mở rộng chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid, đặc biệt là xe hybrid tự nạp (HEV), bên cạnh xe hybrid sạc ngoài (PHEV) như hiện nay. Thực tế cho thấy, phần lớn xe hybrid đang lưu hành tại Việt Nam là tự nạp – dòng xe không cần hạ tầng sạc nhưng vẫn tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải đáng kể. Theo các chuyên gia đánh giá thì xe hybrid giúp tiết kiệm 30–50% nhiên liệu và giảm tới 61% phát thải CO₂ trong điều kiện đô thị. Đây là giải pháp phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện nay và góp phần quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng không.

“Dự thảo Luật lần này là bước điều chỉnh quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện theo hướng rõ ràng về chính sách, có đánh giá tác động đầy đủ và xây dựng lộ trình phù hợp” - đại biểu Thông nêu ý kiến.

Được biết, Dự thảo Luật Thuế Tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV. Mục tiêu quan trọng của sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ và môi trường.

THU HÀ