Phát triển công nghiệp phù hợp xu thế thời đại

Kinh tế - Ngày đăng : 05:14, 12/05/2025

Công nghiệp được xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của Bình Thuận và đang được địa phương tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cũng như định hướng phát triển phù hợp xu thế thời đại.

Hoạt động sản xuất công nghiệp năm vừa qua trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng gần 11% so cùng kỳ, còn tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt hơn 31%. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, sản xuất công nghiệp tại địa phương duy trì ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh vẫn giữ vai trò “đầu tàu” với mức tăng hơn 12%. Trong đó có một số ngành trọng điểm như: Sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm liên quan…

bd-17333142889042063084738-17339953799561489006190.jpg
Phát triển công nghiệp bán dẫn phù hợp xu thế thời đại (ảnh minh họa từ Internet).

Bên cạnh khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, hiện Bình Thuận cũng đang tính đến phát triển công nghiệp phù hợp xu thế thời đại, nhất là ưu tiên phát triển các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao. Như mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó đặt mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn với hạt nhân là Khu Công nghệ cao gắn với đổi mới sáng tạo có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam. Còn đến năm 2050, Bình Thuận phấn đấu có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ với Khu Công nghệ cao trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh.

Từ tình hình và điều kiện thực tế, đến nay Bình Thuận đã thành lập 9 khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Phan Thiết giai đoạn 1, KCN Phan Thiết giai đoạn 2, KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II, KCN Sông Bình, KCN Tuy Phong, KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1 và KCN Sơn Mỹ 2 - giai đoạn 1. Ngoài ra toàn tỉnh còn có hàng chục cụm công nghiệp được hình thành và phân bổ khắp địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố… Về Khu Công nghệ cao, trong năm 2024 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí Đề án thành lập Khu Công nghệ cao tỉnh Bình Thuận. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xúc tiến xây dựng Đề án thành lập Khu Công nghệ cao trên địa bàn Bình Thuận.

Được biết dù hạ tầng giao thông, điện - nước, viễn thông… sẵn sàng đáp ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bán dẫn, điện tử hoạt động, nhưng đến nay tại địa phương chưa thu hút dự án hoạt động trên lĩnh này. Vì vậy tới đây, Bình Thuận sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển công nghiệp bán dẫn của tỉnh. Cùng với đó thu hút đầu tư có chọn lọc vào Khu Công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn, doanh nghiệp sản xuất chip chuyên dụng… Thông qua đó hướng đến hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu phát triển cũng như hình thành vườn ươm doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh.

Với hoạt động khuyến công trong giai đoạn mới, địa phương cũng đề xuất tăng cường chuyển đổi số thông qua hỗ trợ áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số. Cụ thể như: Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và triển khai chuyển đổi số trong sản xuất - kinh doanh; Hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất. Từ đó góp phần thay đổi mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh truyền thống nhằm tạo ra cơ hội, sản phẩm, doanh thu và giá trị mới trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp… Có thể nói, việc ứng dụng chuyển đổi số trong khuyến công là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới. Đồng thời mở rộng thị trường nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí tối ưu hóa nguồn lực, cải thiện chất lượng dịch vụ khuyến công và tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế số.

QUỐC TÍN