Trăn trở khi lớp học quá đông học sinh
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:23, 12/05/2025
Giáo viên luôn đóng vai trò là người trung tâm của quá trình giảng dạy. Lớp đông và chật nên thầy cô thường đứng trước lớp và trình bày thông tin một chiều. Học sinh ngồi khoanh tay lên bàn, mắt nhìn thẳng lắng nghe một cách răm rắp. Tới phần quan trọng thì thầy đọc cho trò chép. Dù sĩ số học sinh đông nhưng nhờ kiểu dạy học truyền thống thời ấy, những tiết học vẫn đạt được mục tiêu đề ra.

Thời gian sau đó, cuộc cách mạng giáo dục được triển khai. Thay vì tập trung vào việc truyền đạt kiến thức từ người dạy đến học sinh, đã chuyển trọng tâm đến sự tương tác, tự quản lý học tập, và khám phá cá nhân học sinh mà người ta thường nói lấy học sinh làm trung tâm.
Trong các giờ học, giáo viên không còn độc giảng mà trở thành người hướng dẫn để học sinh tìm kiến thức. Nhiều hình thức dạy học tích cực được áp dụng. Học sinh được ngồi theo nhóm, hoạt động nhóm nhiều hơn. Để đạt được hiệu quả cao khi sử dụng phương pháp dạy học tích cực, ngành giáo dục của địa phương đã tích cực giảm sĩ số học sinh.
Thế là, ở bậc tiểu học, sĩ số học sinh đã giảm đáng kể. Lớp ít cũng 25 em, lớp đông nhất là 35 em/lớp. Tuy thế, với sĩ số 35 em/lớp mà xếp ngồi theo nhóm (6 nhóm) cũng chật kín phòng học. Mỗi lần di chuyển, cả thầy và trò đều khá khó khăn.
Gần 2 tuần nay, lớp tôi đang có sĩ số 27 em/lớp bất ngờ tăng lên 40 em/lớp (có 2 học sinh khuyết tật). Đồng nghiệp còn cho biết 40 em/lớp là còn quá ít, có lớp ở một số trường khác sĩ số đã 48 em/lớp. Tôi cứ trăn trở, thắc mắc mãi: “Đổi mới bao năm, tại sao sĩ số học sinh lại bất ngờ tăng vọt?”
40 học sinh/lớp tôi đã phải kê 20 chiếc bàn chật kín từ cuối lớp đến gần bục giảng. Tôi không thể tưởng tượng được với 48 học sinh sẽ phải kê tới 24 cái bàn sẽ thế nào. Dù cố gắng, tôi cũng chỉ áp dụng được một số kỹ thuật dạy học quen thuộc như nhóm đôi, nhóm bốn (2 bàn quay xuống) còn chủ yếu chỉ áp dụng một phương pháp dạy học truyền thống là chỉ có thể đứng một nơi, giảng chung một lượt, thầy đặt câu hỏi và trò trả lời. Học sinh quá đông, lại ở độ tuổi nhỏ, thầy cô dặn dò kỹ lưỡng đến đâu cũng quên ngay lúc đó. Chỉ một vài em nói chuyện, chọc phá bạn là cả lớp đã ồn ào hẳn lên. Tiết học chỉ 35 phút nhưng thầy cô liên tục phải dừng lại để ổn định trật tự.
Chương trình mới lại xây dựng học sinh đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động dạy và học còn thầy cô chỉ là người hướng dẫn. Trong mỗi tiết học, các em sẽ tham gia sôi nổi vào quá trình học của mình thông qua nhiều hình thức học tập tích cực như nhóm nhỏ, nhóm lớn, đóng vai, thuyết trình… Thế nhưng, lớp học quá đông, ngồi nhìn thẳng bục giảng còn chật ních thì nói gì đến việc dạy học linh hoạt theo phương pháp mới và hình thức dạy học tích cực, phong phú? Thế là, giáo viên chỉ còn cách độc giảng, lại trung thành với phương pháp dạy học truyền thống trước đây, học sinh thụ động ngồi nghe và làm theo hiệu lệnh.
Đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học theo hướng tích cực nhưng sĩ số lớp học lại tăng vọt về ngưỡng 30 liệu có hợp lý?