Nghe và thấy: Động lực phát triển điện khí

Kinh tế - Ngày đăng : 04:42, 15/05/2025

Trong tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).

Đáng chú ý theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh thì đến năm 2030, nguồn điện khí phải đầu tư mới tối đa gần 37.500 MW, trong đó 60% là khí hóa lỏng LNG - tương đương 22.524 MW. Như vậy, mức này tăng khoảng 7.000 MW so với trước điều chỉnh Quy hoạch điện VIII… Còn vào đầu tháng 5 này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.

aaaaaaaaaa.jpg
Bình Thuận cũng là địa phương có điều kiện phát triển điện khí LNG. (ảnh minh họa từ Internet).

Theo đó về cơ chế phát triển các dự án điện khí, Chính phủ quy định các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu được bao tiêu sản phẩm, tức cam kết sản lượng huy động điện. Tỷ lệ này dựa trên thỏa thuận của bên bán (nhà máy điện khí LNG) và bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) nhưng không thấp hơn 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án. Việc bao tiêu được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay, nhưng không quá 10 năm từ ngày phát điện. Sau thời gian này thì việc mua bán do các bên đàm phán, ngoài ra cơ chế trên sẽ áp dụng cho các dự án điện khí LNG nhập khẩu bắt đầu vận hành trước ngày 1/1/2031…

Với Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) cũng đề cập phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng. Riêng công nghiệp năng lượng - điện hướng tới trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia, đảm bảo nguồn cung ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, điện cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió mà nhất là điện gió ngoài khơi và hydrogen, điện mặt trời, điện khí LNG… Với định hướng và các cơ chế cụ thể, có thể nói đây sẽ là động lực để phát triển điện khí với những dự án quy mô lớn tại các địa phương sở hữu tiềm năng, lợi thế.

Như tại Khu công nghiệp (KCN) Sơn Mỹ 1 trên địa bàn huyện Hàm Tân hiện có chuỗi các dự án: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I (tổng công suất 2.250 MW), Nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ II (tổng công suất 2.250 MW), Kho cảng khí LNG Sơn Mỹ (công suất thiết kế giai đoạn 1 là 3,6 triệu tấn LNG/năm và giai đoạn 2 nâng lên 6 triệu tấn LNG/năm)… Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo cụ thể tiến độ triển khai KCN Sơn Mỹ 1. Qua đó yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan cùng chủ đầu tư hạ tầng KCN tích cực phối hợp và tập trung tháo gỡ khó khăn, nhất là về đền bù giải phóng mặt bằng để kịp giao đất cho chuỗi các dự án khí - điện LNG.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã tiếp xã giao Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, theo đó thông tin toàn tỉnh hiện thu hút 5 dự án FDI có nguồn vốn từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) được Bộ Công Thương Việt Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện khí Sơn Mỹ II có tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Dịp này, lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh: Việc phát triển năng lượng sạch là chủ trương nhất quán của Đảng - Nhà nước và tỉnh Bình Thuận xác định rõ tầm quan trọng của các dự án năng lượng sạch. Từ đó sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục, công việc thuộc thẩm quyền của địa phương để góp phần thúc đẩy dự án triển khai đúng tiến độ…

Thực tế cho thấy, phát triển điện khí LNG đang là xu hướng tất yếu hiện nay nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường. Đây còn là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay, đặc biệt giúp ngành điện phát triển xanh hơn trong thời gian tới.

Đ.QUỐC