Thiện Nghiệp ngát hương sen
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:18, 15/05/2025


Vừa bước vào chớm hạ, nhưng những ao sen ở khu vực Bàu Sen- sát ngay tuyến đường vào UBND xã Thiện Nghiệp, đã nở bung cả một góc trời với màu hồng nổi bật. Từ sáng sớm, bà chủ quán ăn có khu đất ngay cạnh bàu đã lội xuống hái một vài gương sen còn non cho khách ngồi uống trà bóc hạt nhâm nhi trò chuyện. Tay khẽ tách lớp áo xanh non đã thấy hạt sen trắng ngần, vị ngọt thanh ngay đầu lưỡi. Gắn bó với đất, với làng từ mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Loan từ tốn nói: “Cây sen đượm khí thơm trong lành của trời đất, nên từ củ, lá, hoa, vỏ, hạt… đều là vị thuốc hay. Nhưng ở vùng này, mọi người đều có ý thức giữ gìn bàu nước, giữ gìn cảnh sắc. Họ không hái hoa mà để thỏa sức ngắm nhìn, không khai thác củ mà để sen có thể sinh sôi phát triển cho mùa sau”. Có lẽ thế mà cả một vùng đầm rộng lớn, sen phủ kín mặt, hương thơm dịu nhẹ bay theo gió, khiến trưa hè, khách đường xa cảm thấy khoan khoái, dễ chịu.

Là một xã vùng ven, nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết 20 km, người dân xã Thiện Nghiệp bao đời sống dựa vào nghề nông. Từ khi khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né nằm cách địa phương không xa phát triển năng động đã kéo theo nghề dịch vụ ở vùng đất này phát triển. Bằng chứng là mức sống bình quân đầu người của xã tăng lên, đạt 61 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ lao động tham gia vào ngành du lịch nhiều hơn và nhiều nhà nghỉ, homestay mọc lên giữa các vườn dừa, vườn điều. Tuy nhiên vùng đất này vẫn giữ được sự thanh bình, yên ả vốn có của một xã nông thôn mới, nhờ tính gắn kết cộng đồng, khu vườn ngát xanh với các loại nông sản, đặc biệt là sự điều hòa từ những bàu nước tại các thôn.


Hiện trên địa bàn xã có 8 bàu chứa nước có tác dụng giữ nước vào mùa mưa phục vụ trồng trọt, chăn nuôi nằm trên địa bàn 5 thôn. Những năm gần đây, để giữ nước và cảnh quan môi trường, các bàu đều được nạo vét thường xuyên và đa số được thả sen. Thật lạ, hiếm có loại cây nào có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ như sen. Dù không được chăm sóc, chỉ duy trì trong vài tháng rồi lụi tàn nhưng dưới lớp bùn sâu, ngó sen trắng ngần vẫn sinh sôi để chờ mùa hạ tới vươn mình lên khỏi mặt nước. Nhờ đó, một số bàu như bàu Sen (thôn Thiện Sơn), bàu Ron (thôn Thiện An), bàu Nổi (thôn Thiện Bình), bàu Chai (thôn Thiện Hòa) sen duy trì phủ xung quanh bờ và nở rất đẹp. Người dân và du khách có dịp ghé thăm Thiện Nghiệp đều không muốn bỏ lỡ những khung hình ấy.


Mê mải ngắm rồi mê mải lia máy như sợ khoảnh khắc ấy, mùi hương ấy bay mất. Hoa như là nụ cười của thiên nhiên ban tặng, hoa như một món quà vô giá dâng tặng cho người. Như lúc này đây cả hồ sen bát ngát thơm nhưng tuyệt nhiên không có con ong, cánh bướm nào vờn quanh. Có phải vậy chăng mà trong văn hóa của người Việt Nam, hoa sen còn là hình ảnh tượng trưng cho cốt cách, tinh thần thanh cao. Sen mọc trong bùn lầy nhưng không bị ám mùi hôi tanh của bùn đất.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, có nhiều cơ sở để tin vào tương lai không xa vùng đất này sẽ phát triển hơn nữa thông qua du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái với bản sắc văn hóa độc đáo vẫn được gìn giữ, ẩm thực đa dạng, cảnh quan làng quê yên bình, trong lành... khi địa phương này đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bởi theo ông Đỗ Ngọc Hòa – Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp thì địa phương vẫn còn tiêu chí chưa đạt. Cụ thể, chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên; tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất cấp độ 1 và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Theo kế hoạch, mục tiêu đó sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Miên man trong dòng suy nghĩ, từng đợt gió ràn rạt qua mặt làm gã khách chợt bừng tỉnh. Xa xa kia, cả đầm sen cũng chao liệng khiến cái nắng ở vùng đất Thiện Nghiệp trở nên ngọt ngào, trong lành đến lạ. Giữa nhịp chảy của thời gian, các bàu sen còn đó như một minh chứng cho hồn quê.
Gót chân trên nẻo đường vào thôn của gã khách dường như cũng đã vương vấn hương sen từ lúc nào.