Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Nhớ lời Bác dặn trước lúc đi xa

Chính trị - Ngày đăng : 14:43, 15/05/2025

Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào ngày 10/5/1965, với tên gọi đầu tiên là “Tài liệu Tuyệt đối bí mật”. Năm 1969, Bác sửa lần cuối và hoàn chỉnh bản Di chúc, để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau.

60 năm đã trôi qua, "mấy lời để lại” ấy cùng với tư tưởng của Người đã luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi,dẫn dắt toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực hiện những lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Thuận đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Di chúc của Bác: Ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam

‏“‏Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng là lớp người ‏“‏xưa nay hiếm”. Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm, mấy tháng nữa. Vì vậy, tôi để lại mấy lời này… phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác...” – 60 năm trước, trong những ngày tháng 5 lịch sử, giữa lúc đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu viết bản Di chúc thiêng liêng – một văn kiện ngắn gọn, cô đọng nhưng hàm chứa một tư tưởng lớn, một trái tim vĩ đại và một tầm nhìn chiến lược cho dân tộc. 

Trong 4 năm, từ năm 1965 đến 1969, giữa những tháng ngày đất nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Di chúc đã được Người viết, chỉnh sửa và hoàn thiện. Ba trang tài liệu mang dòng chữ “Tuyệt đối bí mật” với hơn 1.000 chữ, Người không nói nhiều về bản thân, thay vào đó, Người dành trọn tâm huyết để nói về Đảng, về dân, về thế hệ tương lai của đất nước.Người khẳng định chắc chắn thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ không bằng cảm tính, mà bằng niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của Nhân dân và chính nghĩa: ‏“‏Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Với Đảng, Người nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn, giữ gìn đoàn kết nội bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Người nhắc nhở Đảng phải không ngừng rèn luyện đạo đức, nâng cao trách nhiệm và tận tụy phục vụ Nhân dân.Điều xúc động nhất trong Di chúc chính là tấm lòng bao dung, nhân hậu, chan chứa tình thương yêu con người của Bác. Người nghĩ đến mọi tầng lớp xã hội, từ những người có công với cách mạng, phụ nữ, thanh niên, đến những người từng lầm lỗi cần được cảm hoá. Người căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Với thế hệ trẻ, Bác gửi gắm hy vọng lớn lao và mong muốn họ vừa ‏“‏hồng” - có đạo đức cách mạng, vừa ‏“‏chuyên” - có trình độ chuyên môn vững vàng…

Gọi là Di chúc, nhưng trong đó hiếm thấy lời nào nhắc đến mong muốn riêng tư. Suốt cả cuộc đời, Người sống giản dị, tận tụy chỉ để lại cho dân tộc một khát vọng: ‏“‏Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Đến phút cuối đời, điều Người day dứt nhất là: ‏“‏Không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

60 năm đã trôi qua kể từ mùa hoa sen năm ấy, bản Di chúc của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và tư tưởng. Nó không chỉ là lời căn dặn cuối cùng, mà còn là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường dựng xây đất nước. Trong từng giai đoạn lịch sử, từ thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, đến thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Di chúc luôn là cội nguồn tinh thần, là ngọn đuốc dẫn lối, soi đường để Đảng ta vững vàng trong vai trò cầm quyền, để Nhân dân ta tin tưởng, đoàn kết và không ngừng vươn lên.

Bình Thuận thực hiện Di chúc của Người

Khắc ghi những lời căn dặn của Người, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực không ngừng, vượt qua muôn vàn khó khăn, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh vào năm 1992 cho đến nay, Bình Thuận đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh khai mạc Hội nghị triển khai chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Điểm lại hành trình làm theo lời Bác, có thể thấy Bình Thuân hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ. Nếunhư năm 1992, tỉnh còn là địa phương nghèo, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém thì đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 33 lần, GRDP đạt hơn 128,7 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 101,7 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người gấp 43,6% so với năm đầu tái lập tỉnh. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, đã được chú trọng đầu tư đồng bộ, kết nối thông suốt với các vùng trong nước qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và sắp tới là đường hàng không. Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật với 2 huyện và 79/93 xã đạt chuẩn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, Bình Thuận đã vươn lên mạnh mẽ. Với ý chí và quyết tâm cao, hệ thống thủy lợi toàn tỉnh được đầu tư bài bản, hiện đại với hàng trăm công trình hồ đập, kênh mương, tổng dung tích hồ chứa đạt hơn 1.138 triệu m³, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực như thanh long đã khẳng định thương hiệu trong nước và quốc tế. Nông nghiệp Bình Thuận đang chuyển mạnh sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngành thủy sản tiếp tục duy trì hiệu quả, đóng góp tích cực cho tăng trưởng. Trong 10 năm gần đây, Bình Thuận đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo, công nghệ cao, trở thành động lực tăng trưởng chủ lực. Tỉnh hiện có 48 nhà máy phát điện với tổng công suất 6.520 MW, chiếm 8% công suất nguồn điện cả nước, hướng tới 11.000 MW vào năm 2030, góp phần đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia.

Du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh – đã có những bước phát triển ngoạn mục. Từ sau sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995, du lịch Bình Thuận liên tục được đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Năm Du lịch Quốc gia 2023 ‏“‏Bình Thuận - Hội tụ xanh” đã đưa hình ảnh Mũi Né và Bình Thuận đến gần hơn với du khách quốc tế. Mỗi năm, tỉnh đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ USD, nằm trong top 10 địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Hồng Sỹ (áo xanh) thăm gia đình chính sách

Bình Thuận luôn ghi nhớ lời Bác dặn về công tác “đền ơn đáp nghĩa” và chăm lo cho người có công. Hàng nghìn căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng, sửa chữa. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%. Hệ thống giáo dục, y tế được đầu tư toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu quả quản trị được nâng cao rõ rệt. Năm 2024, Bình Thuận xếp thứ 3 cả nước về chỉ số PAPI. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; Đảng bộ không ngừng được củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Những thành tựu đạt được là minh chứng sống động cho tinh thần thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với truyền thống yêu nước, cách mạng, với sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, Bình Thuận đang vững bước vào kỷ nguyên mới – thời kỳ hội nhập, sáng tạo, phát triển bền vững, vì hạnh phúc của Nhân dân và sự phồn vinh của đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bình Thuận càng quyết tâm phát huy lợi thế trong không gian phát triển rộng lớn hơn, đoàn kết với anh em các địa phương sáp nhập nói riêng và cả nước nói chung, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp sức xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, như Bác hằng mong ước.

Thanh Nhàn