Lắng nghe “Thơ đời ngân vọng”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:15, 16/05/2025
Nhà thơ La Thụy – thầy giáo Đoàn Minh Phú gắn bó nhiều chục năm với nghề dạy học ở La Gi. Anh tâm huyết với nghề, anh cũng nặng lòng với thơ.

Tác giả đã viết những dòng tràn cảm xúc về nghề dạy học mà mình đã gắn bó trong đời: “Một đời yêu phấn bảng/ Thân thương tiếng giảng bài” (Trên bục giảng mùa xuân). Cũng chính trong thi phẩm này, tác giả đã viết những dòng thơ mang đầy tính ẩn dụ: Anh – một thầy giáo đã chăm chút cho các lớp học sinh của mình, từ những ngày các em chập chững ở dưới mái trường, nâng niu từng thành quả học tập, sửa những điều các em còn thiếu sót một cách cần mẫn, mê say: “Nhặt cỏ vườn hoa bé/ Nâng niu từng nụ hồng”.
Đời nhà giáo gắn với niềm yêu văn chương được La Thụy bộc bạch trong bài thơ Hoài cảm: “Văn chương nợ ấy còn chưa trả/ Giáo nghiệp phận này lại phải vay”. Biết bao điều đã đón nhận, bao kỷ niệm của cả nhiều chục năm đứng lớp, để ngày rời bục giảng, thầy giáo ấy viết nên những lời thơ: “Tơ vương ý kén lòng tằm/ Miên man kỷ niệm bâng khuâng dặm về” (Thơ tặng người nghỉ hưu).
Tác giả rất nặng tình cảm với những người bạn văn, bạn thơ, cả những người đồng trang lứa, lẫn những người bạn vong niên, lớn hơn tác giả rất nhiều tuổi. Ở thi phẩm Còn gieo hạt mộng tác giả La Thụy đã viết về nhà giáo - nhà thơ Phạm Tường Đại, người đã sống, dạy học nhiều chục năm ở La Gi: “Bảy mươi man mác bóng tà/ Còn gieo hạt mộng ươm hoa muộn mằn”. Có phải chăng La Thụy muốn viết về những tứ thơ mà sinh thời, nhà thơ Phạm Tường Đại thường trân trọng, luôn muốn gởi lại chút gì đẹp nhất đến miền đất quê hương thứ hai mà ông đã từng gắn bó: “Đất đã cho ta ngàn mạch sống/ Ta ươm vào đất chút hương nồng” (Thơ Phạm Tường Đại).
Tình bạn với Lương Minh Vũ cũng đã được La Thụy ghi lại qua các bài thơ “Với Lương Minh Vũ” và “Cảm đề Sơn nữ”. Tác giả đã viết về người bạn văn của mình trong bài thơ “Với Lương Minh Vũ”: “Ừ thì xếp sách lên ngàn/ Áo xanh sắc lính đổi trang mộng đời”. La Thụy cũng đã cảm tác từ truyện ngắn của Lương Minh Vũ để làm nên thi phẩm “Cảm đề Sơn nữ”, trong đó, hai dòng cuối cùng của bài thơ là những dòng thơ hay: “Em thoáng hiện cho thơ đời ngân vọng/ Ta ngậm ngùi nhìn lại – Đã tàn xuân”.
Nhà thơ cũng đã có những rung cảm trước thiên nhiên, tạo vật, vào những khoảng thời gian để lại những dấu ấn trong năm ở những thi phẩm: Tân niên khai bút, Chào xuân, Cuối năm âm lịch, Tàn niên cảm tác… Với Tân niên khai bút, tác gỉả đã có những dòng: “Mai e ấp nụ ươm vàng nắng/ Sen khẽ khàng hương ủ đượm trà”. Cùng với “Bấc lạnh nỗi niềm đông tận nhỉ!/ Rượu nồng sắc vị xuân khai a!”. Còn với Chào xuân tác giả đã có những dòng thơ đẹp: “Bâng khuâng nắng mới lừng hương tết/ Biêng biếc chồi xanh thắm sắc hoa”. Cảm nhận về biển đã được tác giả gởi gắm ở thi phẩm Biển mai hồng: “Hòn Bà ngắm sóng trầm tư/ Đồi Dương ửng nắng liễu ru ven bờ”.
Quê hương của nhà thơ La Thụy là Quảng Trị thân thương. Đây là những dòng thơ đầy những cảm hoài, khắc khoải của tác giả viết về quê hương của mình: “Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm/ La Gi phố mới vắng tâm giao/ Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc/ Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào” (Vọng cố hương). Với ngôi trường trung học ở quê hương ngày cũ, gần bốn mươi năm về thăm lại, bao cảm xúc ùa về trong tâm trí nhà thơ: “Thoáng kỷ niệm về bơi trong đáy mắt/ Ta trầm ngâm hoài tưởng cả trời xưa/ Nghe vang vọng dư âm bao tình mất/ Thoảng bay cao diệu vợi những giai thừa” (Ngôi trường cũ ơi 10A3).
Lắng nghe những lời thơ ở thi tập “Thơ đời ngân vọng”, bạn đọc dễ nhận ra: Tác giả La Thụy đã rất dày công để viết nhiều bài thơ thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt. Điều ấy chứng tỏ tác giả đã rất yêu thể thơ Đường luật, dành nhiều trí tuệ, công sức, tâm huyết, thời gian vào những thi phẩm của mình. Nhà thơ đã rất tôn trọng những yêu cầu chặt chẽ của vần, đối, luật, niêm và cách bố cục của một bài thơ Đường luật. Có lẽ, anh là một trong số không nhiều nhà thơ còn dành niềm đam mê của mình cho việc sáng tác theo thể thơ cổ này.
Bên cạnh đó, thơ lục bát của tác giả trong thi tập “Thơ đời ngân vọng” cũng rất mượt mà, rất đẹp, như ở các bài: Biển mai hồng (Dạt dào biển dậy niềm yêu/ Lung linh khói sóng phiêu diêu mộng lòng); hay ở bài Thả (Mai kia thả nốt tuổi trời/ Thời gian cuốn hút phận đời mong manh/ Sắc không ừ thả bồng bềnh/ Mộng lòng dù đã ươm xanh… thả dần”. Cùng đây nữa, ở bài Hỏi (Hỏi sông tuôn chảy âm thầm/ Tri âm có gặp nghìn trăm bến bờ?/ Hỏi lòng sao cứ ngẩn ngơ/ Người xa xăm ấy lặng lờ… bặt tin”.
“Thơ đời ngân vọng”, tập thơ mang những nét rất riêng của nhà giáo – nhà thơ La Thụy. Tác giả vẫn mãi mang một tấm lòng sâu nặng với thi ca, và mãi vẫn tràn những rung cảm trước những thi phẩm của những người bạn thơ mà mình có dịp đón nhận, thưởng thức.