Những kỳ vọng khi hợp nhất Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận

Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 18/05/2025

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW năm 2025, tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận sẽ được hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên Lâm Đồng. Sau khi hợp nhất, đây là tỉnh có diện tích lớn nhất, mở ra hướng phát triển mới trong tương lai.

Người dân thoát cảnh “sống lậu”

Tháng 3, thông tin về việc sáp nhập Đắk Nông- Lâm Đồng- Bình Thuận được người dân xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) truyền tai nhau. Thời điểm đó, dù chưa chính thức, thế nhưng thông tin ấy đã thắp lên hi vọng trong lòng hàng ngàn người dân địa phương. Bởi khi Đắk Nông và Lâm Đồng hợp nhất, họ không còn phải chịu cảnh “sống lậu” trên chính quê hương của mình.

Xã Đạ K’nàng có khoảng 400 hộ dân sinh sống, làm nhà, canh tác trên vùng đệm của Vườn Quốc gia Tà Đùng, thuộc địa phận xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Đây là những hộ dân đã sinh sống ổn định từ những 90 của thế kỷ XX, trong đố đa phần là đồng bào K’Ho.

Hinh 4
Hàng trăm hộ dân Lâm Đồng sẽ không còn chịu cảnh "sống lậu" sau khi hợp nhất Đắk Nông- Lâm Đồng

Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 1339 ngày 16/10/2023, bàn giao một phần đất của Vườn Quốc gia Tà Đùng về cho huyện Đắk Glong quản lý, những hộ dân đang sinh sống dưới chân núi Tà Đùng, chính thức được xác định không phải cư dân của tỉnh Đắk Nông. Họ là những người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng nhưng đang có tài sản trên đất tỉnh Đắk Nông.

Ông K’Bát, trưởng thôn Păng Dung, xã Đạ K’nàng cho biết, cả thôn có khoảng 100 hộ dân làm nhà cửa, chuồng trại hoặc có tài sản nằm trên đất của tỉnh Đắk Nông. Trước đây, người dân địa phương lo lắng vì sau Quyết định số 1339, nhiều hộ dân sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hinh 6
Ông K'Bát cho rằng, người dân rất hạnh phúc khi sắp tới sẽ được làm thủ tục đất đai

Tuy nhiên, theo lời ông K’Bát, sau khi 2 tỉnh hợp nhất, ranh giới tự nhiên trước đây sẽ không còn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thuận lợi và đơn giản hơn. “Khi nghe hai tỉnh được hợp nhất, bà con chúng tôi hạnh phúc lắm. Chúng tôi tin rằng, sau khi hợp nhất, những thủ tục, giấy tờ về đất đai sẽ được giải quyết, bà con sẽ yên tâm làm ăn trên chính quê hương của mình”, ông K’Bát nói.

Ông Lê Đình Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng cho biết, nhiều năm qua, người dân xây dựng nhà cửa kiên cố, ổn định nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng này đã hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, ảnh hưởng tới việc đầu tư, phát triển kinh tế của Nhân dân.

Cũng theo ông Mạnh, từ đầu năm tới nay, cán bộ địa chính của xã Đắk Som, huyện Đắk Glong đã nhiều lần tới xã để đo đạc, xác định diện tích đất của các hộ dân. Hai địa phương tích cực phối hợp để sớm hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

“Sắp tới đây, khi 3 tỉnh hợp nhất, người dân sẽ được chính quyền tỉnh Lâm Đồng mới cấp sổ. Đây là điều mà bà con mong chờ và phấn khởi nhất. Tôi tin rằng, sau khi hợp nhất, người dân tỉnh sẽ yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng Lê Đình Mạnh nói.

Cơ hội bùng nổ du lịch

Việc hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận thành một đơn vị hành chính mới sẽ tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, trong đó có du lịch. Với lợi thế riêng biệt về địa hình, khí hậu, văn hóa và hạ tầng giao thông được gắn kết, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ trở thành một tỉnh du lịch đa dạng, đặc sắc và giàu sức hút.

hinh-9-1-.jpg
Bình Thuận sở hữu 192km bờ biển với cảnh quan biển xanh - cát trắng - nắng vàng (Ảnh: Nguyễn Văn Khoa)

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, du lịch - dịch vụ dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực trong phát triển kinh tế. Bình Thuận sở hữu 192km bờ biển với cảnh quan “ biển xanh - cát trắng - nắng vàng”, nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao biển; Lâm Đồng có khí hậu mát mẻ, cảnh quan núi rừng hùng vĩ và các lễ hội đặc trưng như Festival hoa Đà Lạt; trong khi đó Đắk Nông lại giàu bản sắc dân tộc thiểu số, nổi bật với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, nơi hội tụ giá trị địa chất, cảnh quan và văn hóa đặc sắc.

Tỉnh Lâm Đồng mới sẽ hữu bờ biển dài và đẹp, vừa có rừng thông, núi non và hồ nhân tạo, đem lại trải nghiệm sinh thái đa dạng và độc đáo. Chuỗi sản phẩm "rừng - biển" trở thành lợi thế thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Hinh 1
Đắk Nông nổi bật với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO

“Về thương hiệu du lịch, Đà Lạt – thành phố ngàn hoa từ lâu đã là điểm đến trong mơ của du khách trong và ngoài nước. Mũi Né- Phan Thiết – Bình Thuận được mệnh danh là “thủ đô resort”, biển xanh, cát trắng và nắng vàng. Trong khi đó, Đắk Nông đang nổi lên như một điểm đến của du lịch địa chất, khám phá thiên nhiên và văn hóa Tây Nguyên.

Khi ba thương hiệu du lịch này được kết nối, sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch từ biển lên rừng, từ nghỉ dưỡng cao cấp đến khám phá văn hóa – thiên nhiên độc đáo, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa nêu quan điểm.

Hinh 11
Lâm Đồng nổi tiếng với Đà Lạt – thành phố ngàn hoa, là điểm đến trong mơ của du khách trong và ngoài nước

Đánh giá về cơ hội phát triển du lịch sau khi hợp nhất 3 tỉnh, bà Khúc Thị Thoi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cho rằng, vùng du lịch mới hình thành từ ba tỉnh hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực.

Theo bà Thoi, việc sáp nhập, hợp nhất sẽ thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế thông qua việc xây dựng các gói du lịch hấp dẫn, kết hợp cả 3 điểm đến. Đặc biệt, việc sáp nhập tạo cơ hội để các địa phương kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào cơ sở vật chất du lịch như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

b9.jpg
Việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ mang lại lợi thế về quản lý, quy hoạch và đầu tư mà còn mở ra cơ hội “đột phá” ngành Du lịch

“Việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ mang lại lợi thế về quản lý, quy hoạch và đầu tư mà còn mở ra cơ hội “đột phá” ngành Du lịch với quy mô lớn hơn. Tôi tin rằng, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có những sản phẩm du lịch phong phú và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây chính là cơ hội để hình thành một trung tâm du lịch mới của khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đắk Nông nói.

baodaknong.vn