Tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội nhiệm kỳ mới
Chính trị - Ngày đăng : 05:08, 19/05/2025
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị thông qua việc ban hành Kế hoạch số 329 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kế hoạch này thay thế cho Kế hoạch 253 trước đó). Trong đó, việc chuẩn bị văn kiện và nhân sự đại hội là hai nội dung trọng tâm, được triển khai đồng bộ, kỹ lưỡng, yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Nội dung Đại hội Đảng bộ các cấp

Kế hoạch số 329 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 45 trong điều kiện tỉnh đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và lập tổ chức Đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Do đó, Đảng bộ tỉnh, các đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng (gồm cả đảng bộ xã, phường, đặc khu) và các tổ chức cơ sở Đảng khác được hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới tiến hành đại hội 2 nội dung theo quy định tại Chỉ thị số 45. Cụ thể, tổng kết thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết Đại hội của các Đảng bộ, chi bộ trước khi sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 – 2030; Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp.
“Tại đại hội không bầu cấp ủy khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên. Sau khi Đảng bộ tỉnh, các đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng (gồm cả Đảng bộ xã, phường, đặc khu) và các tổ chức cơ sở Đảng khác được hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới thì Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định chỉ định, kiện toàn ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (nếu có) nhiệm kỳ 2025-2030 theo thẩm quyền và theo quy định”, Kế hoạch 329 nhấn mạnh.

Theo đó, Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu. Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác; phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên, dự báo được tình hình để đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định những điều đảng viên không được làm và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời, phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ngoài ra, trên cơ sở báo cáo chính trị, các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định.
“Quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc; của cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng các hình thức phù hợp, thiết thực. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, kế hoạch nêu.

Đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở hoàn thành trước ngày 30/6
Về số lượng đại biểu dự Đại hội Đảng bộ các cấp, theo Kế hoạch 329, đối với Đảng bộ tỉnh mới (sau khi hợp nhất 3 tỉnh), số lượng đại biểu Đại hội Đảng bộ tỉnh (mới) không quá 500 đại biểu. Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở không quá 300 đại biểu. Đối với Đảng bộ các xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh sau khi hợp nhất, sáp nhập thì số lượng đại biểu đại hội không quá 250 đại biểu. Đối với cấp cơ sở: Các đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên; có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu. Những trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu có khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý, thì tổ chức đại hội đại biểu; số lượng đại biểu do cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định.
Về thời gian tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp, đối với đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở thuộc 5 đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy hoàn thành trước ngày 30/6. Đại hội các chi, Đảng bộ cơ sở thuộc Đảng bộ cấp huyện hoàn thành trước ngày 30/6. Riêng đối với các Đảng bộ, chi bộ dự kiến kết thúc hoạt động thì không tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025-2030.
Đối với cấp trên trực tiếp cơ sở và đảng bộ xã, phường, đặc khu: Đại hội đại biểu 5 đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở và đại hội đại biểu Đảng bộ xã, phường, đặc khu không quá 2 ngày. Thời gian bắt đầu từ ngày 10/7, hoàn thành trước ngày 20/8. Đối với đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (mới) không quá 4 ngày (thời gian có thể ngắn hơn do tiến hành đại hội 2 nội dung), hoàn thành trước ngày 31/10/2025. Thời gian họp trù bị được tính vào thời gian tiến hành đại hội, đối với cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên không quá 1/2 ngày.
Với tinh thần chủ động, nghiêm túc và quyết tâm cao, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đang tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản và chặt chẽ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, từ việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đến chỉ đạo thực hiện ở cơ sở. Tất cả nhằm đảm bảo Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra đúng quy định, đúng tiến độ, thực chất, chất lượng, góp phần vào thành công chung Đại hội XIV của Đảng.