Phong Phú: Hiệu quả chăn nuôi dê, cừu sinh sản

Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 19/05/2025

Tận dụng thức ăn xanh từ trồng táo, một số hộ dân tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong đã phát triển chăn nuôi đàn dê, cừu. Sau đó lấy phân bón từ chăn nuôi để chăm sóc cây táo mang lại hiệu quả cao. Đây là một trong những cách làm hay, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Hiệu quả kinh tế

Từ lâu, Phong Phú được biết đến là xã vùng cao của huyện Tuy Phong với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là táo xanh. Cùng với trồng trọt loại cây trồng lợi thế này, không ít hộ dân trên địa bàn đã và đang chăn nuôi gia súc lớn như dê, cừu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

329b3ae8509ee5c0bc8f.jpg
Ông Khánh thành công nuôi dê kết hợp trồng táo.

Đơn cử tại gia đình ông Bùi Văn Khánh, một trong những hộ dân kết hợp chăn nuôi và trồng trọt tại xã Phong Phú lâu năm. Ông Khánh đang chăn nuôi 50 con dê và trồng 6 sào táo xanh rất hiệu quả. Theo chia sẻ của chủ hộ, trước đây khi chưa nuôi dê, gia đình phải tốn chi phí trên 50 triệu đồng/năm để mua phân bón chăm sóc cho cây táo. Tuy nhiên, từ ngày nuôi dê, nhờ lấy phân dê để chăm sóc cây, mặt khác tận dụng lá cây, cành táo để cho dê ăn nên giảm tối đa chi phí, hiệu quả kinh tế cao, khi thu lãi mỗi năm từ 700 – 800 triệu đồng. Hiện gia đình ông đang duy trì số lượng 50 con dê cái, đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa khoảng 2 con, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/con, cùng với 6 sào táo đã chủ động được nguồn phân bón từ chăn nuôi.

c9790fde6ea8dbf682b9.jpg
Đàn cừu của ông Lâm đang phát triển tốt.

Còn hộ ông Phan Thanh Lâm, thôn 1 xã Phong Phú cũng phấn khởi không kém, khi gia đình có 7 sào táo kết hợp nuôi hơn 100 con cừu trong hai năm nay. Nhất là trong năm 2024 được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, vật tư, cùng với tận dụng phế phẩm từ trồng táo sẵn có để làm thức ăn chăn nuôi. Phân cừu quay trở lại được ủ hoai và sử dụng trồng táo, nên hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng. Ông Lâm chia sẻ thêm, cừu từ lúc sinh đến khi bán được khoảng 4 tháng, trọng lượng từ 12- 15 kg/con, với giá trên 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bình quân lãi gần 2 triệu đồng/con. Theo ông Lâm, hiện nay thị trường thịt cừu đang thuận lợi, được thị trường ưa chuộng nên ông sẽ nhân rộng thời gian tới.

Xã Phong Phú hiện có gần 9.000 khẩu/2.346 hộ, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, gồm cây táo 100 ha, lúa 968 ha… Ngoài ra bà con chăn nuôi bò khoảng 2.600 con, dê 1.500 con và cừu 500 con… Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã tác động bất lợi, cùng chi phí đầu tư trong chăn nuôi ngày càng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi nói chung và chăn nuôi cừu, dê nói riêng.

2697554d323b8765de2a.jpg
Tận dụng phế phẩm từ cây táo để làm thức ăn chăn nuôi.
d11c1cfc798accd4959b.jpg
Phân dê, cừu được ủ hoai làm phân bón để chăm sóc cây táo phát triển tốt.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Từ thực tế này, thời gian gần đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên Hải Nam Trung bộ” quy mô 105 con cừu và “Chăn nuôi dê thương phẩm - Ủ thức ăn từ phụ phẩm cây táo” quy mô 24 con dê, 0,1 ha trồng cỏ, 9 tấn ủ thức ăn thực hiện tại xã Phong Phú.

Trong đó, hộ gia đình ông Khánh và ông Lâm thuộc đối tượng được hưởng lợi từ mô hình này. Mục đích nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi như ủ thức ăn, sử dụng tảng đá liếm, tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó hướng đến chuyển đổi từ chăn nuôi gia súc lớn sang chăn nuôi dê, cừu phù hợp với lợi thế của địa phương.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ 70% gồm giống dê, cừu, giống cỏ, phân bón, thức ăn hỗn hợp, nguyên liệu và túi ủ thức ăn, vắc xin, tảng đá liếm... phần còn lại hộ phải đối ứng vào theo đúng kỹ thuật. Sau thời gian chăn nuôi dê hiệu quả kinh tế bình quân 5,32 triệu đồng/12 con/hộ. Riêng mô hình chăn nuôi cừu sinh sản, đàn cừu đực, cái giống sinh trưởng phát triển tốt và đang được tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh tế trong năm 2025.

Từ kết quả mô hình, bước đầu cho thấy việc chăn nuôi kết hợp ủ thức ăn phụ phẩm có sẵn tại chỗ đạt hiệu quả. Qua đó góp phần làm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Mô hình được chính quyền và người dân đánh giá cao và giúp nông hộ thay đổi được phương thức chăn nuôi truyền thống trước đây. Nhất là tận dụng diện tích vườn táo có sẵn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi như sử dụng lá, cành và trái táo để ủ thức ăn dự trữ trong mùa nắng.

K. Hằng