“Bộ tứ chiến lược”
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:10, 20/05/2025
Đây là một trong những mũi nhọn trong “bộ tứ chiến lược” cùng với Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59, về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66, về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68, về phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng.

4 nghị quyết, 4 trụ cột chiến lược cùng hướng tới một Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và chủ động thích ứng trong kỷ nguyên mới. Đặc biệt là Nghị quyết 68 là luồng gió mới cho doanh nghiệp để xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng. Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm. Thực tế cho thấy, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đã được khẳng định và thể hiện rõ nét trong văn kiện các đại hội của Đảng, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (năm 2017) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2020) và gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII (năm 2023) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và hàng loạt các cải cách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhờ đó khu vực tư nhân lớn mạnh, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của toàn xã hội. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tướng nhấn mạnh, khu vực kinh tế tư nhân, trong đó trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Thực tế hiện nay cho thấy, kinh tế tư nhân của tỉnh Bình Thuận phát triển khá nhanh, đang là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Thuận phát triển trong những năm qua. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Những đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng là không thể phủ nhận bởi vì khu vực này tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số sẽ giúp mục tiêu tăng trưởng trên 8% vào năm 2025 và 2 con số vào năm 2026 - 2030 có thêm động lực để thành công. Để khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục vươn lên, phát triển đột phá và bền vững, trong thời gian tới cần đổi mới nhận thức, tư duy về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của tỉnh. Tiếp tục khẳng định khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng đặc biệt cho tăng trưởng, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và tạo đột phá, đưa tỉnh ta vươn lên phát triển thịnh vượng, đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong năm 2025 và năm 2030. Bên cạnh đó là tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tránh trùng lắp, tăng cường đối thoại, liên tục rà soát để tháo gỡ các điểm nghẽn… Tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, chủ động của chính quyền địa phương tạo động lực hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời hỗ trợ tín dụng có Chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất quy định của Chính phủ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, triển khai các chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững và các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch...
Việc xác định đúng vai trò, tầm quan trọng và triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời đối với khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng để tỉnh Bình Thuận thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó phấn đấu năm 2025 tăng trưởng GDP đạt trên 8%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.