15 nước EU bất ngờ đề xuất hợp tác với BRICS để chấm dứt chiến sự ở Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 15:21, 20/05/2025
Trong một động thái đáng chú ý, 15 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), bao gồm Bulgaria, đã cùng nhau kêu gọi một sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận ngoại giao của khối đối với cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách đề xuất hợp tác với các quốc gia thuộc khối BRICS.
Theo hãng thông tấn Sofia (Bulgaria) ngày 18/5, sáng kiến này do Áo dẫn đầu, được thể hiện trong một bức thư dự kiến gửi tới Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, nhấn mạnh sự cần thiết của việc EU mở rộng nỗ lực hòa bình bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia thuộc khối BRICS (trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Bộ trưởng Ngoại giao Áo Beate Meinl-Reisinger, trong một tuyên bố riêng với tờ Politico, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm đạt được lệnh ngừng bắn. Bà Beate nói: "Chúng ta cần một liên minh toàn cầu để ngừng bắn. Ukraine đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng của mình. Bây giờ, Nga phải dừng các cuộc tấn công. Châu Âu không được đứng ngoài cuộc. Cùng với các quốc gia đối tác, chúng ta phải tăng cường áp lực và đưa Nga vào bàn đàm phán".
Theo bản dự thảo bức thư mà Politico có được, các quốc gia ký tên cho rằng EU cần phải đổi mới và tăng cường tương tác với các quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ quan trọng với Moscow. Bức thư khẳng định: "Đã đến lúc để đổi mới và tăng cường sự tham gia của chúng ta với các đối tác toàn cầu".
Các quốc gia này tin rằng những nước có quan hệ gần gũi với Nga có thể đóng một vai trò then chốt trong việc gây áp lực ngoại giao lên Điện Kremlin để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài.
Bức thư cũng kêu gọi bà Kallas dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao phối hợp trong toàn EU và đưa vấn đề này trở thành một điểm thảo luận ưu tiên trong cuộc họp sắp tới của Hội đồng Ngoại giao châu Âu. Hơn nữa, bức thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các mối quan tâm cụ thể của các quốc gia BRICS để giải quyết hiệu quả những lo ngại và khai thác vai trò tiềm năng của họ trong việc làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột.
Tính đến thời điểm hoàn thiện bức thư, sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ từ 15 quốc gia thành viên EU, bao gồm Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Động thái ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm mà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hội nghị hòa bình gần đây được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Trong bối cảnh Nga tiếp tục các hoạt động quân sự và một số quốc gia EU nhận thấy sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận phi truyền thống để chấm dứt xung đột, Áo và các quốc gia ủng hộ cho rằng việc hợp tác với các nước được coi là đối tác thân thiết của Moskva hoặc duy trì lập trường trung lập có thể mang lại đòn bẩy cần thiết để tác động đến lập trường của Điện Kremlin.
Tuy nhiên, sáng kiến này cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Trung Quốc và Brazil gần đây đã thể hiện sự gần gũi với Nga, đặc biệt là trong cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng hôm 9/5 vừa qua, khi Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã có động thái gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bất chấp những diễn biến như vậy, những người ủng hộ sáng kiến của EU cho rằng chỉ những quốc gia được Nga tin tưởng mới có khả năng gây ảnh hưởng thực sự và có thể đóng vai trò trung gian hiệu quả cho một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận hòa bình lâu dài ở Ukraine.