Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Hình phạt mới cần bảo đảm tính nghiêm khắc, nhất quán

Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 20/05/2025

BTO-Chiều 20/5, Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự. Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Góp ý tại Điều 39a về tù chung thân không xét giảm án, đại biểu đánh giá cao mục tiêu lập pháp mà dự thảo luật đặt ra, đó là bổ sung thêm một cấp độ hình phạt nghiêm khắc hơn tù chung thân thông thường, nhưng nhân đạo hơn tử hình. Đây là một bước đi phù hợp với chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời vẫn bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung trong xử lý các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

dbbf6f20241f9141c80e.jpg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ chiều 20/5

Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ nội dung Điều 39a, đại biểu cho rằng, nội dung Điều 39a vẫn còn một số mâu thuẫn nội tại nhất định, cụ thể: Khoản 1 quy định, người bị kết án tù chung thân không xét giảm án thì không được xem xét giảm hình phạt, trừ trường hợp đặc xá, ân giảm hoặc theo Luật Đặc xá. Tuy nhiên, khoản 3 lại quy định, người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu nộp lại ba phần tư tài sản và phối hợp tích cực thì được “giảm xuống tù chung thân”. Theo đại biểu, quy định này vẫn chưa thực sự thống nhất với nguyên tắc không xét giảm án đã đặt ra ở khoản 1, đồng thời làm mất đi tính nghiêm khắc đặc biệt của hình phạt này.

Bên cạnh đó, về chính sách hình sự, nếu đã xác định đây là hình phạt thay thế tử hình trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng nhưng vẫn muốn giữ tính nhân đạo thì cần đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc, nhất quán. Việc để mở quá nhiều cơ chế “giảm xuống”, “chuyển đổi” sẽ khiến hình phạt này không khác nhiều so với tù chung thân thông thường, gây nghi ngờ về hiệu quả và mục tiêu chính sách.

Do đó, đại biểu kiến nghị bỏ khoản 3 Điều 39a nhằm đảm bảo sự thống nhất của điều luật, tránh mâu thuẫn với nguyên tắc ân giảm của Chủ tịch nước theo Hiến pháp, theo đại biểu, cơ chế “giảm hình phạt” trong trường hợp này nếu thật sự cần thiết thì nên quy định trong Luật Đặc xá hoặc để Chủ tịch nước xem xét theo thủ tục ân xá.

Tại Điều 256a về tội sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu cho rằng quy định này góp phần tăng tính răn đe, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước các hành vi có nguy cơ cao gây rối loạn trật tự xã hội, phạm tội do ảnh hưởng của ma túy. Việc viện dẫn đến các quy định của Luật Phòng, chống ma túy để xác định hành vi cấu thành tội phạm cũng cho thấy sự liên kết, thống nhất giữa các văn bản pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên theo đại biểu, Điều 256a cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập về chính sách hình sự, về kỹ thuật lập pháp và về khả năng thực thi trong thực tế, cần được cân nhắc, rà soát kỹ lưỡng trước khi thông qua. Cụ thể như sau: Dự thảo liệt kê một loạt trường hợp như “đang trong thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện”, “quản lý sau cai”, hay “trong vòng 2 năm kể từ khi tự ý chấm dứt cai nghiện”… đại biểu cho rằng, các khái niệm này phụ thuộc vào hồ sơ hành chính, thời hạn kiểm soát mà không luôn đi kèm hành vi nguy hiểm trên thực tế. Việc không có yếu tố hậu quả, không xác định được hành vi sử dụng gây nguy hiểm cụ thể nào cho xã hội sẽ dẫn tới khó khăn trong chứng minh tội phạm, dễ làm phát sinh tranh cãi về tính hợp pháp và hợp lý trong tố tụng hình sự. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động khi đưa hành vi này trở thành tội phạm. Trong khi đó thực tế hiện nay số lượng người sử dụng chất ma túy trên toàn quốc là con số rất lớn (Theo dữ liệu đến tháng 10/2024 toàn quốc có khoảng 226.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy và người quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý) số người không quản lý được trong xã hội theo đại biểu con số cũng rất lớn (tái nghiện rất lớn trên 70%). Nếu số lượng như thế này đưa vào giam giữ thì cơ sở vật chất liệu có đảm bảo.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát cân nhắc kỹ quy định trên, tôi đề xuất sửa đổi quy định trên theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng, theo đó, chỉ áp dụng trong các trường hợp sử dụng ma túy kèm theo hành vi nguy hiểm khác (ví dụ như điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, mang vũ khí, gây rối trật tự công cộng…) hoặc người có tiền án về ma túy tái phạm nhiều lần. Đại biểu cho rằng, chống ma túy là cần thiết, nhưng phải trên nền tảng nhân đạo, khoa học và khả thi. Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với một hệ lụy là hình sự hóa người bệnh, tạo áp lực lớn cho hệ thống pháp luật mà không đạt được hiệu quả bền vững như mục tiêu chính sách đề ra.

Liên quan đến vấn đề quy định về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360): đại biểu đề nghị xác định lại mức thiệt hại tại điểm d cho phù hợp với thực tế hiện nay.

T.HÀ