Công nghiệp Bình Thuận: Đến hồi nhộn nhịp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:05, 21/05/2025
Để có thêm chỉ tiêu đất công nghiệp cho phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng quy hoạch, nhất là không ít các khu công nghiệp (KCN) đã và đang hình thành trong tỉnh có giai đoạn 2, quỹ đất thuộc huyện Hàm Tân, Đức Linh và Tánh Linh được quy hoạch bổ sung các KCN mới thì Bình Thuận phải phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN hơn chỉ tiêu năm nay 40%.


Thêm KCN - giảm tỷ lệ lấp đầy
Những ngày này, ai đi qua quốc lộ 1A đoạn xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong là thấy ngay quang cảnh công trường tấp nập phía bên trong tấm biển: Khu công nghiệp Tuy Phong. Vì nằm ven đường nên mọi động tĩnh của khu vực rộng đến 150 ha này đều nằm trong tầm mắt của người dân từ trước đến giờ. Một thời gian dài, tính từ khi được tỉnh chấp thuận đầu tư, vùng đất thuộc KCN Tuy Phong bị bỏ hoang, vì nhiều lý do, bây giờ chủ đầu tư khởi động xây dựng hạ tầng đường, điện… hứa hẹn cho sự xôm tụ ở khu vực này.
Đầu tháng 5/2025, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tuy Phong đã có báo cáo gửi Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh về tiến độ thi công hoàn thành hạ tầng tại KCN, như một lời cam kết cho quyết tâm đầu tư. Theo đó, đối với các hạng mục đã được cấp phép xây dựng như san nền, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hệ thống giao thông trên diện tích 60 ha của KCN, sẽ thi công hoàn thành lần lượt trong tháng 7, tháng 10 và tháng 12/2025. Việc rút ngắn thời gian hoàn thành hạ tầng này là một trong các nội dung yêu cầu của Ban quản lý các KCN tỉnh tại buổi kiểm tra thực tế tình hình triển khai xây dựng dự án tại thực địa ngày 22/4/2025.
.jpg)
Theo tiến độ cam kết đầu tư trên, vào quý 1/2026, KCN Tuy Phong sẽ được đưa vào hoạt động. Từ đây, sẽ đẩy diện tích đất công nghiệp toàn tỉnh lên, đồng thời cũng giảm tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp xuống, nếu như việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất xây dựng dự án không tương xứng. Chuyện mới diễn ra, khi KCN Tân Đức đưa hơn 200 ha đất đủ điều kiện tham gia cho nhà đầu tư thứ cấp thuê, đã kéo tỷ lệ lấp đầy các KCN ở tỉnh từ 32% xuống còn 29,41%, bất chấp từ đầu năm đến nay, tại các KCN trong tỉnh, các nhà đầu tư thứ cấp khởi công 4 dự án đầu tư lớn. Cụ thể, có 3 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 592 tỷ đồng và 35 triệu USD. Nhưng diện tích đất cho thuê chỉ là 16,08 ha, trong đó dự án Nhà máy sản xuất gạch trang trí Novita thuê 5,98 ha; dự án Nhà máy sản xuất giày thể thao Bình Thuận thuê 7,71 ha; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị, rơmooc, xe chuyên dụng Asean thuê 1,5 ha; dự án Nhà máy chế biến đóng gói trái cây xuất khẩu thuê 0,8943 ha. Với con số đưa vào cho thuê và con số được thuê chênh nhau cao như vậy có thể hiểu vì sao có KCN mới đi vào hoạt động, nhiều dự án khởi công thể hiện sự khởi sắc của công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy các KCN lại sụt giảm.

Hơn thế, sắp tới các KCN khác như KCN Sơn Mỹ I, II đang giai đoạn đền bù, giải tỏa, đầu tư hạ tầng với diện tích rất rộng, sẽ được đưa vào hoạt động thì tỷ lệ lấp đầy các KCN ở tỉnh sẽ xuống càng thấp. Trong khi đó, để có thêm chỉ tiêu đất công nghiệp cho phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng quy hoạch, nhất là không ít các KCN đã và đang hình thành trong tỉnh có giai đoạn 2, quỹ đất thuộc huyện Hàm Tân, Đức Linh và Tánh Linh được quy hoạch bổ sung các KCN mới thì thì Bình Thuận phải phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy các KCN hơn chỉ tiêu năm nay 40%. Thế nên, Bình Thuận ở trạng thái phải thu hút đầu tư ở mức bứt phá. Riêng các KCN muốn mở rộng diện tích theo kế hoạch thì cũng phải tăng tốc lấp đầy theo quy định và bảo đảm các tiêu chí khác.


Đồng hành cùng đạt tỷ lệ lấp đầy
Gần hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1, chủ đầu tư KCN Tân Đức đã đề nghị tỉnh tạo điều kiện để tập đoàn đầu tư giai đoạn 2 với hơn 600 ha. Việc xin mở rộng KCN này, theo lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, căn cứ vào khoản 8, điều 9, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế thì phải đủ 3 điều kiện mới được chấp thuận cho mở rộng. Đó là KCN Tân Đức giai đoạn 1 phải bảo đảm tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60%, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng KCN; KCN mở rộng có khả năng kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với KCN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà ở xã hội cho công nhân.


Điều đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại 1 KCN cụ thể không chỉ tạo điều kiện cho chủ đầu tư hạ tầng trong điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp của chính dự án để mở rộng mà qua đó còn hỗ trợ cho tỉnh thực hiện chỉ tiêu cùng tên khi tính chung, cộng dồn dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ví dụ như những con số liệt kê trong báo cáo của BQL các KCN tỉnh vào tháng 4/2025: “Lũy kế đến nay các KCN thu hút được 93 dự án đầu tư, trong đó có 66 dự án đầu tư trong nước và 27 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 17.415,26 tỷ đồng và 328,41 triệu USD, diện tích cho thuê là 281,79 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 29,41%”.
Ở diễn biến khác, mới đây Bình Thuận được bổ sung thêm 4.300 ha đất công nghiệp, sau khi thực hiện kế hoạch điều chỉnh chỉ tiêu đất công nghiệp mở rộng cho các KCN theo Quy hoạch tỉnh và có văn bản kiến nghị ngành chức năng, Chính phủ kịp trình Quốc hội thông qua. Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, người trực tiếp thuyết minh để được ghi nhận bổ sung diện tích đất công nghiệp trên cho biết, trong bối cảnh hiện có nhiều thách thức, phải nhấn mạnh nhiều đến cơ hội, tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp của Bình Thuận một cách thuyết phục.

Sự thật, đến thời điểm này, sau khi khai thông điểm nghẽn giao thông đối ngoại, Bình Thuận hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, khi hiện tại đã có 9 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 2.931ha. Chỉ 5-6 năm nữa, tức đến năm 2030, theo quy hoạch tỉnh, tổng diện tích các KCN, khu kinh tế của tỉnh rộng khoảng 38.335 ha. Trong đó, đầu tư hoàn thành 10 KCN với quy mô khoảng 3.048 ha hoạt động nhộn nhịp, hiệu quả. Sự nhộn nhịp ấy sẽ được lan tỏa từ sự kéo theo của các dự án có quy mô lớn như Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II và Kho cảng khí LNG với diện tích sử dụng đất 156,123 ha, vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD, đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại KCN Sơn Mỹ I. Hơn thế, mới đây Đại sứ quán Mỹ đã thăm và làm việc với Bình Thuận về việc đốc thúc cho sự hình thành các dự án trên đúng tiến độ đặt ra. Còn trước mắt, để tạo đà cho đích trên và cũng góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN trong năm nay lên 40%, Bình Thuận triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư vào các KCN với quy mô lớn, cụ thể đợt 1 là vào cuối tháng 5 này tại TP.HCM. Đây là cuộc “ra quân” đầu tiên đối với BQL các KCN tỉnh nên cũng nói lên nhiều điều...

Định hướng quy hoạch phát triển các KCN, KKT đến năm 2030, gồm: 6 KCN mở rộng, phát triển mới với quy mô 4.897 ha; 5 KCN mới định hướng bổ sung quy hoạch tỉnh với quy mô khoảng 3.380 ha và 1 Khu kinh tế ven biển phía nam tỉnh thuộc địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi với quy mô khoảng 27.000 ha.
Bài 2: Sự tự tin từ miền công nghiệp mới