Người tiêu dùng và nỗi lo hàng giả, kém chất lượng
Đời sống - Ngày đăng : 05:09, 21/05/2025
Trong số đó, có nhiều loại thực phẩm chức năng, được giới thiệu là bồi dưỡng cơ thể, dành cho người già bị bệnh xương khớp, tiểu đường và suy nhược cơ thể… Với mong muốn “đúng thầy đúng thuốc”, chị sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để người thân duy trì sử dụng. Mặt khác, gia đình chị vẫn luôn trung thành với một vài tiệm tạp hóa để mua các loại thực phẩm thiết yếu như bột ngọt, trứng, gạo… Còn các mặt hàng như thịt, rau củ quả để phục vụ cuộc sống gia đình, chị buộc mua ngoài chợ gần nhà.

Mọi việc sẽ không có gì đáng bàn, cho đến khi gần đây thông qua kênh thông tin đại chúng, chị được biết đến hàng loạt vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý liên quan đến hàng giả, hàng nhái, từ thuốc giả, sữa giả, rau củ, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không riêng gì chị, hầu hết người tiêu dùng đều rất hoang mang, lo lắng vì bản thân và gia đình thời gian qua đã sử dụng một số thực phẩm giả vừa được phát hiện. Và dĩ nhiên, “ma trận” hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn khiến người tiêu dùng, trong đó có chị Hải tiếp tục gặp phải, bởi các mặt hàng này đã và đang len lỏi một cách rất tinh vi, rất khó phát hiện.
2. Thực tế những năm gần đây, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay nhiễm hóa chất không còn xa lạ, mà đã trở thành một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội không chỉ ở trong nước. Chỉ vì lợi nhuận kinh tế trước mắt, nhiều đối tượng đã bất chấp mọi thủ đoạn, cố tình “đầu độc” người tiêu dùng bằng những mặt hàng kém chất lượng, thực phẩm độc hại. Trải qua thời gian, hàng ngàn người tiêu dùng khi sử dụng phải các mặt hàng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tốn kém tài chính, “tiền mất tật mang”. Từ đó, niềm tin của người tiêu dùng bị suy giảm về thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý, với những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng uy tín không nhỏ vì thật giả khó phân biệt.
Về vấn đề này, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ rằng, các vụ việc nghiêm trọng về sữa giả, thuốc giả, thực phẩm giả… đang được người dân và xã hội hết sức quan tâm. Thực tế cho thấy, một số cơ quan, địa phương liên quan đã buông lỏng công tác quản lý. Vì vậy, phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan và dứt khoát phải xử lý nghiêm.
Ở Bình Thuận, thời gian qua UBND tỉnh các sở ngành, địa phương đã nỗ lực các biện pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đơn cử, những tháng đầu năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đề nghị các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch rau, quả, cũng như tác hại của việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả khi đưa ra thị trường. Nhất là tuân thủ quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nước xuất khẩu…
Đối với người tiêu dùng, các giải pháp cần quan tâm là nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây không chỉ là việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của bản thân, gia đình mà còn là sự chung tay chống lại vấn nạn này. Tuy vậy, trước thực tế “vàng thau lẫn lộn”, khó phân biệt bằng mắt thường, nếu không được phanh phui, phát hiện kịp thời thì người tiêu dùng vẫn luôn mang trong mình nỗi lo hàng giả, thực phẩm giả, kém chất lượng, họ rất cần được pháp luật, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đảm bảo quyền lợi chính đáng.